Latest topics | » Những Vùng Tối Fri Sep 20, 2019 3:02 am by Tuyet Bang » Vì sao đại bàng đầu trắng là loài vật biểu trưng của Mỹ? Tue Sep 25, 2018 11:57 am by Admin » Hoa Bỉ Ngạn Tue Sep 25, 2018 11:53 am by Admin » “Bỏ túi” 8 cách phân biệt mật ong cực đơn giản Tue Sep 25, 2018 11:48 am by Admin » Bò Kho Mon Sep 24, 2018 3:43 pm by Admin » NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT Sun Sep 23, 2018 12:19 am by Admin » BÀI PHÁP VỀ BỐN LOẠI NGỰA Sun Sep 23, 2018 12:18 am by Admin » KHÉO GIỮ SÁU CĂN Sun Sep 23, 2018 12:17 am by Admin » NGUỒN GỐC CỦA ĐAU KHỔ Sun Sep 23, 2018 12:17 am by Admin » TÌNH VÀ NGHĨA TRONG CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG Sun Sep 23, 2018 12:02 am by Admin » CUỘC SỐNG KHÔNG CẦN OÁN TRÁCH, TẤT CẢ ĐỀU CÓ AN BÀI Sat Sep 22, 2018 11:57 pm by Admin » Lỡ Phá Thai Hãy Gấp Tụng Kinh Địa Tạng 49 Lần Để Giúp Trẻ Sớm Siêu Thoát Sat Sep 22, 2018 11:55 pm by Admin » NHÂN CHẲNG SINH DIỆT, QUẢ CHẲNG SINH DIỆT Sat Sep 22, 2018 11:54 pm by Admin » TẠI SAO TỪ BI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI NHẪN NHỤC? Sat Sep 22, 2018 11:53 pm by Admin » TRONG SINH DIỆT, RÕ CHẲNG SINH DIỆT Sat Sep 22, 2018 11:52 pm by Admin » HIẾU HẠNH Sat Sep 22, 2018 11:51 pm by Admin » Vạn vật vì duyên hòa hợp mà sinh, cũng vì duyên mà diệt Sat Sep 22, 2018 11:50 pm by Admin |
| | NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG | |
| | Tác giả | Thông điệp |
---|
Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Thu Feb 24, 2011 6:26 pm | |
| "NGƯỜI TÔI CƯU MANG"Nguồn: Người Tôi Cưu MangTTXuân - Có những người tìm đến thế giới mạng để giúp đỡ những thân phận khó khăn trong đời thật. Có những câu chuyện đẹp như trong thế giới cổ tích đã và đang diễn ra.
Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), một ngày giữa tháng 12-2007. Bà Quảng vẫn đang bận rộn với việc dọn dẹp nhà cửa sau cơn lũ dữ. Nhắc lại chuyện nhận tiền giúp đỡ, mắt bà rướm lệ: “Mẹ tụi nhỏ không chịu được cảnh chồng nghiện ngập nên bỏ đi biệt tích, một mình tui phải lặn lội ra Đà Nẵng lượm ve chai để kiếm mỗi ngày mấy ngàn bạc nuôi cháu. Vất vả là thế mà cũng bữa đói bữa no. Nếu không có anh H.M. trong Sài Gòn gửi tiền hằng tháng thì giờ này chắc tui chẳng còn sống nổi, mà mấy đứa cháu cũng đành bỏ học giữa chừng”. Khó khăn lắm mới thuyết phục được H.M. nói về mình với điều kiện không nêu tên thật, không nói nơi làm việc. H.M. là cư dân mạng của diễn đàn từ thiện Người Tôi Cưu Mang (www.nguoitoicuumang.com), nơi trao đổi của những bạn trẻ tin vào lòng nhân ái. Hiện H.M. đang nhận trợ giúp gần mười hoàn cảnh, theo cách mà anh gọi là “người thân gửi tiền cho người thân”, qua thẻ ATM, qua bạn bè. Khi thông tin về bé Tuyên ở Duy Xuyên mất mẹ ngay sau khi ra đời được đưa lên mạng, các thanh viên đã cùng nhau góp tiền gửi nuôi bé hàng tháng
H.M. kể về lần đầu giúp người gắn với thế giới mạng: “Tình cờ tôi xem được đoạn clip về bà cụ trên mạng. Đó là hoàn cảnh rất thương tâm của bà Võ Thị Quảng già yếu nuôi sáu đứa cháu nhỏ ở thị trấn Ái Nghĩa. Cầm lòng không đặng trước hoàn cảnh của bà, tôi đã liên hệ với tác giả đoạn phim trên để nhờ tìm cách giúp đỡ. Từ đó hằng tháng tôi chuyển cho bà 600.000đ qua một người bạn”.
Tính đến nay, bà cháu cụ Quảng được cưu mang từ một người xa lạ hơn ba năm mà chưa một lần gặp mặt. Dù mưa bão hay lũ lụt, người bạn của H.M. vẫn đều đặn mỗi tháng vượt hơn 30km từ Đà Nẵng để mang niềm vui đến cho gia đình bà. Sau mỗi lần chuyển tiền, H.M. lại nhận được thông tin, hình ảnh về bà qua những dòng nhắn ngắn ngủi của người bạn trên diễn đàn.
“Với tôi, mỗi lần nghe tin bà và mấy đứa cháu khá hơn là vui lắm rồi. Tôi nghĩ nếu đem chừng đó tiền đi đầu tư một cái gì khác thì có lẽ chẳng thể nào làm cho tôi hạnh phúc hơn thế. Tôi sẽ chẳng khóc khi nghe tin bà qua đời, sống trên đời không nên có những giọt nước mắt vì hối hận!”. Không chỉ đến với người nghèo theo kiểu làm từ thiện thông thường, mà với H.M., đó là một sự chia sẻ như những người ruột thịt với nhau. Mỗi khi được tăng lương, được thưởng anh đều san sẻ niềm vui đó cho những người mình nhận cưu mang.
Chuyện H.M. làm không phải ai cũng hiểu và đồng cảm. Nhiều lần anh đã phải cay đắng nhận từ bạn bè những lời dè bỉu: “Đồ điên, cái thân còn phải đi ở trọ mà bày đặt!”. Đó là lý do mà H.M. thường ẩn mình đằng sau cái nick trong thế giới ảo để làm nên những câu chuyện cổ tích ở đời thường. H.M. tâm sự như một đúc kết cho riêng mình: “Tôi nghĩ việc ra đời của thế giới ảo hôm nay rất có giá trị. Theo tôi, thế giới nào cũng vậy, sống cần có một tấm lòng!”.
Tình thật trong thế giới ảo Với cái nhìn như thế, H.M. và những người bạn của anh luôn xem thế giới ảo là nơi thể hiện cách nghĩ riêng, cách làm riêng của mình. Như lời của bạn có nick Rongreu: “Nếu bạn tin vào lòng nhân ái thì bạn sẽ thấy trên thế giới mạng chẳng hề có biên giới về giàu nghèo, sang hèn”.
Ngoài đời, ít ai biết chị Hoàng Liên cũng là một công dân mạng, bởi hằng ngày chị vẫn bận rộn với việc mưu sinh của một tiểu thương ngoài chợ. Chồng chị chẳng may bị tai nạn qua đời để lại hai đứa con nhỏ. Hoàn cảnh không cho phép chị được học hành như bạn bè nên Internet với chị từng là một thứ… xa xỉ.
Chị bật cười khi nhớ lại cái ngày bước vào thế giới mạng: “Nghe mấy đứa em bàn tán về một địa chỉ là nơi gặp gỡ của những tấm lòng nhân ái, tôi tò mò hỏi: Địa chỉ đó ở quận nào? Nghe tôi hỏi thế mấy đứa em lăn ra cười trước sự ngỡ ngàng của tôi. Sau lần đó tôi mới biết đến thế giới ảo”. Từ đó, thế giới mạng có thêm một công dân có nick giản dị Hoanglien rất năng nổ với những chuyến đi offline thăm hỏi bệnh nhân nghèo ở bệnh viện, những món tiền chuyển về Kontum, miền Tây cho những em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Ít ai biết được những đồng tiền đó chị dành dụm từ việc buôn bán từng ký thịt heo ngoài chợ ở quận Gò Vấp, TP.HCM.
Trong thế giới mạng cũng có những câu chuyện kết thúc đẹp như chuyện cổ tích. Đó là lần bạn có nick là Kiepanmay post lên diễn đàn Người Tôi Cưu Mang tâm sự: “Em cũng giống bao hoàn cảnh khác có bố có mẹ. Nhưng bố mẹ em bỏ nhau từ nhỏ nên em thiếu tình cảm của người cha. Mẹ em đã một mình nuôi em khôn lớn. Vất vả là vậy nhưng rồi một ngày mẹ cũng bỏ em đi, giờ tình cảm của mẹ cũng không còn nữa. Em đặt nick này không phải là xin tiền hay vật chất mà em chỉ mong nhận được tình cảm bù đắp sự thiếu thốn khi không còn bố mẹ”.
Phản hồi sau lời tâm sự của Kiepanmay là những dòng chia sẻ, động viên chân tình của nhiều thành viên khác ẩn dưới những cái nick tưởng như vô hồn: Hongphuc, Thocon, Thuyhangvt, Nhaque, Miniveal… Như có phép mầu, từ chỗ bi quan và buồn nản, Kiepanmay như được tái sinh. Em viết: “Từ nay em sẽ không buồn nữa vì bên em đã có các anh các chị, em đã tìm được hơi ấm của một gia đình. Em sẽ cố gắng sống thật tốt, sẽ dành dụm để góp tay cùng anh chị chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn như em trước đây”. Từ đó, mỗi ngày Kiepanmay bỏ ống heo một vài ngàn đồng để chung tay cùng những tấm lòng trên thế giới mạng. Em nói: “Em chỉ mong đến tết để mổ heo, đây sẽ là cái tết ý nghĩa và vui nhất đời em!”.
Được chứng kiến những câu chuyện như thế mới thấm thía cái tình trong thế giới ảo. Và còn nhiều, nhiều trái tim như thế trên thế giới mạng với bao câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích.
Có đôi khi tôi cho một người ăn xin vài ngàn đồng. Không phải vì tôi giàu có mà để xem mình có tiếc một ly cà phê hơn là một việc từ thiện nho nhỏ? Thử xem ánh mắt những người khác sẽ nhìn mình thế nào? Và chỉ với vài ngàn đồng, tôi biết mình vẫn còn ích kỷ và ngại ngần lắm. Bởi vậy tôi không thể nói với bất cứ ai ngoài đời rằng: Làm từ thiện đi, bạn sẽ thấy mình rũ bỏ được rất nhiều điều đấy! Tôi chỉ thấy làm điều đó dễ dàng khi tham gia vào thế giới ảo với cái nick mà không ai biết mình là ai. (TuyetMuaHe)
Bill Gates nói: “Chúng tôi sẽ trả về cho thế giới những gì (và theo cách) mà thế giới mang lại cho chúng tôi”. Theo cách hiểu của tôi thì câu nói này được diễn giải như sau: Thế giới cho bạn một vị trí lương cao? Hãy trả lại cho thế giới thu nhập đó bằng cách chia sẻ với người nghèo. Thế giới mang lại cho bạn một thân hình khỏe mạnh? Hãy trả lại cho thế giới sức khỏe đó bằng cách chia sẻ với những người bệnh tật. Thế giới ban phát cho bạn đầu óc thông minh? Hãy trả lại cho thế giới sự thông thái đó bằng cách thông cảm với những kẻ khù khờ, dại dột. Đừng xử lý họ mà hãy bảo ban, dạy dỗ họ. (H.M.)
Khi giúp một ai đó, bạn đừng mong là họ mang ơn bạn. Ngược lại, bạn phải biết cảm ơn họ. Vì nếu ví cuộc đời này như một sân khấu lớn thì họ là những người thủ vai nghèo khó để bạn được đóng vai “người hùng” rồi. Bạn cũng đừng dùng tiền bạc hay vật chất khi giúp họ để làm thay đổi cuộc sống, suy nghĩ của họ. Bạn cũng đừng đòi hỏi là người nghèo phải tốt thì tôi mới giúp. Thử hỏi, chúng ta là những người có việc làm ổn định, có thu nhập cao, được học hành đến nơi đến chốn mà đã thật sự tốt hay chưa? Hãy đến với họ bằng cả tấm lòng thì bạn sẽ thấy bình yên hơn! (Thadzuy)
THẾ ANH tuoitre.vn 06-02-2008
Được sửa bởi Admin ngày Wed Mar 02, 2011 5:27 pm; sửa lần 2. | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Wed Mar 02, 2011 4:29 pm | |
| Quán Cơm 2000 đồng giữa lòng SaigonVào mỗi buổi trưa thứ 3, 5, 7, hàng trăm sinh viên và những người nghèo lại kéo về con hẻm nhỏ trên đường Ngô Quyền, quận 10, TP HCM xếp hàng, chờ tới lượt lượt mua cơm với giá 2.000 đồng một suất.
 Quán cơm đi vào hoạt động từ giữa năm 2009 do các thành viên của diễn đàn "Người tôi cưu mang" quản lý. Tấm biển "phục vụ sinh viên nghèo và người nghèo" được treo ngay trước cửa ra vào.
Chỉ có một vài đầu bếp ở đây được thuê, còn lại là những tình nguyện viên, sinh viên tự nguyện đến phục vụ. Người quản lý quán cơm chia sẻ: "Chúng tôi lấy họ 2.000 đồng để họ không có cảm giác mắc nợ ai, và cũng không phải là miễn phí".
 Người dân nghèo đứng xếp hàng để đợi đến lượt, bên cạnh là chỗ để xe. Theo một tình nguyện viên, do một số người chưa có ý thức tự giác hoặc mới đến nên phải làm biển hướng dẫn.
 Khách xếp hàng ra tận đường cái lớn. Khuôn mặt ai cũng thể hiện cảm giác mệt vì... chờ quá lâu.
Những người khuyết tật được ưu tiên phục vụ cơm tận nơi bên lề đường.
Quán đông nghẹt người gồm đủ thành phần: người lao động, học sinh, sinh viên. Căn nhà là của một thành viên trong diễn đàn. Mặc dù hơi chật, nhưng ở đây chỉ bán cho người ăn tại chỗ mà không được mang về.
Chỉ có 2.000 đồng nhưng mỗi phần cơm bao gồm đầy đủ các món mặn, canh, rau xào.
Tùy theo nhu cầu, người đến ăn có thể chọn phần nhiều hoặc ít cơm đã chia sẵn trên kệ. Các khâu chế biến ở đây được làm theo một dây chuyền khá sạch sẽ. Người làm bếp phải dùng khẩu trang và bao tay. Người đến ăn phải tuân theo nội quy quán đề ra và tự phục vụ.
Sau khi được thông báo tạm ngưng bán vé vì đang chế biến thêm đồ ăn, nhiều người đứng xếp hàng thấp thỏm "không biết có còn đủ đến lượt mình".
Độc giả có nhu cầu hỗ trợ xin liên hệ địa chỉ: 14/1 Ngô Quyền, phương 5, quận 10 hoặc diễn đàn http://www.nguoitoicuumang.com/. Người quản lý diễn đàn anh Ánh số điện thoại: 0916.092600 Hải Duyên VNEXPRESS 09-04-2010
Được sửa bởi Admin ngày Thu Mar 10, 2011 8:25 pm; sửa lần 1. | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Wed Mar 02, 2011 5:31 pm | |
| | |
|  | | Tuyet Bang Admin

Tổng số bài gửi : 1352 Đến từ : Mộng Ảnh Registration date : 11/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Wed Mar 02, 2011 11:35 pm | |
| | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Trái Tim không biết mệt mỏi Tue Dec 20, 2011 6:12 pm | |
| Trái Tim không biết mệt mỏiTTO - 37 tuổi, quá nửa đời người nhưng người phụ nữ ấy vẫn còn “sung” lắm: chị dấn thân vào công tác tình nguyện, từ thiện và hiện là trưởng nhóm từ thiện Đồng Tâm.  Nguyễn Ngọc Mai đến với trẻ em nghèo 1. “Nói về đề tài tình nguyện, từ thiện đi em!”, chị “lái” khi tôi hỏi chuyện bên lề: như chuyện học (chị đang học cao học kinh tế ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), chuyện thơ văn. Cả hai chuyện đó đều là đề tài mà chị yêu thích bởi lẽ chị cũng là nhà thơ trẻ, đã ra tập thơ Giọt sương mặt trời (NXB Thanh Niên) nhưng từ thiện và tình nguyện hiện là đề tài “hot” hơn. Chị là Nguyễn Ngọc Mai, cái tên quen thuộc trên diễn đàn mạng với blog mang tên ketnoiyeuthuong.multiply.com. Tôi lắng nghe chị bộc bạch và rất thích suy nghĩ “cách cho hơn của cho” mà chị áp dụng trong công tác từ thiện. Đó là việc đi chọn từng cái cặp, bộ đồ, mua từng cuốn tập, cây viết “loại nào tốt tốt để các em dùng được lâu” trong chương trình “Tiếp sức đến trường” hồi hè năm 2008. Chị là vậy, lúc nào nói đến trẻ em chị cũng “thấy thương chi lạ”, có nhiều em tội nghiệp lắm. Cách đây 6 năm chị từng là tình nguyện viên quen thuộc đến với các em ở mái ấm Ánh Sáng (Q.3, TP.HCM). Cũng vì “thấy thương” nên các em đã vào thơ của chị, ngọt ngào: Các em gọi chị là cô giáo/ Chợt nghe lòng có nắng ấm xôn xao/ Chị đến lớp khi mặt trời đã lặn/ Mắt em nhìn lấp lánh những vì sao. Đúng là chị đến lớp khi mặt trời đã lặn, chị Mai nhớ lại cái thời tập tành làm từ thiện ấy: “Làm xong ở cơ quan là mình chạy ù vào thăm và dạy các em, cứ nhớ ánh mắt các em không chịu nổi”. 2. Vốn là “dân Đoàn” - nằm trong ban chấp hành Đoàn của Công ty Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam nên chị đã quen với công tác vận động, thực hiện chương trình, nói trước công chúng… Thời còn làm Đoàn, chị sốt sắng và năng nổ nên được giữ lại đến năm 35 tuổi mới thôi công tác, giờ chị “đánh lẻ” bên ngoài bằng những hoạt động riêng, mang thương hiệu của nhóm từ thiện Đồng Tâm. Bắt đầu làm chương trình thì lâu rồi nhưng để có tên nhóm đàng hoàng thì mãi đến đầu năm học 2009-2010, khi đó chương trình "Tiếp sức đến trường" được thực hiện ở Đồng Nai. Các thành viên trong nhóm ai cũng đã "U30" và ngấp nghé "U40" nên đều bận nhưng hễ có chương trình là được “hú” tham gia. Người góp công, người góp của, đi về và sẻ chia để rồi mọi người thống nhất nên lấy một cái tên cho nhóm để hoạt động hiệu quả hơn, giúp nhiều người hơn. Từ ngày đặt tên nhóm từ thiện Đồng Tâm đến giờ, cả chị Mai và các thành viên đều “hăng” hơn, vừa xong chương trình thăm và trao nhà tình nghĩa ở Tây Ninh đã đến chương trình trung thu ở Tà Lài, Tân Phú, Đồng Nai… Vừa về, chưa kịp xả hơi, ôn bài vở chị đã vận động quyên góp rồi leo lên xe cùng với các đoàn từ thiện về Quảng Ngãi cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Gần đây chị cùng với các thành viên của Đồng Tâm đi xây nhà Đại đoàn kết cho một gia đình có công cách mạng ở Châu Thành, Tiền Giang và trao nhân dịp 30-4. Tháng 5 vừa rồi chị kêu gọi xây một cây cầu cho trẻ em vùng sông nước ở An Giang… Cứ thế, những dự án tình nguyện cứ tiếp nối trên đôi chân thoăn thoắt của chị. Chị chia sẻ: “Càng đi nhiều, làm nhiều thì thấy cuộc sống đặt hàng mình càng nhiều, chính vì vậy mà Mai quyết đeo đuổi công việc từ thiện đến cùng”. 37 tuổi, không tính chuyện “gia đình nhỏ” mà chỉ toàn tính “phải đi xây nhà cho những người nghèo, mang quà cho trẻ em, người già, nạn nhân da cam” nên trông chị khỏe và trẻ hơn tuổi rất nhiều. Chị bảo: “Mỗi người có một quan niệm về hạnh phúc và cảm thụ về cuộc sống riêng, không ai giống ai. Với Mai, được làm một cái gì đó cho những người khổ hơn mình chính là hạnh phúc”. Trước khi viết bài này, tôi đã đọc ngấu nghiến tập thơ chị tặng, tôi thích cái chất thơ và cả con người chị. Tôi thích cái cách nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét về chị: “Chính lòng nhân ái đã đem lại cảm xúc cho hồn thơ của Mai”. Và đây, xin hãy lắng nghe ước mơ và dự định của cô thủ lĩnh ấy, tất cả đều không ngoài mục đích sẻ chia: “Học xong cao học Mai sẽ đi dạy, đi dạy để có nhiều thời gian gánh vác công việc của nhóm Đồng Tâm”. NSƯT Ngọc Mai - người thường đồng hành cùng chị Nguyễn Ngọc Mai và từ thiện Đồng Tâm - chia sẻ: “Nguyễn Ngọc Mai là một cô gái có tâm, nhiệt huyết. Những chuyến từ thiện xa, những dự án dành cho người nghèo, trẻ em, người già, phụ nữ hay bất kỳ đối tượng nào Mai đều làm rất chu đáo. Như hôm 30-4, khi cùng Mai và đoàn đi trao nhà cho anh Sáu thương binh (tức ông Huỳnh Văn Anh) mới thấy được hết cái tâm trong con người Mai. Mai đã làm cầu nối cho rất nhiều người trẻ cùng tham gia làm những việc có ý nghĩa cho những người nghèo khổ. Do vậy, hễ khi nào được Mai báo các chương trình thì tôi đều cố gắng sắp xếp tham gia”. Nhiếp ảnh gia Phó Bá Cường cảm được tấm lòng chị Nguyễn Ngọc Mai khi thành lập Đồng Tâm nên ngay từ những ngày đầu anh đồng hành cùng chị “trên từng cây số”, với nhiệm vụ ghi lại những bức hình đẹp làm tư liệu cho nhóm. Lần nào cũng vậy, nói đến chị Mai, anh đều thán phục: “Mai là một cô gái quá giỏi”. TẤN KHÔI tuoitreonline.vn 15/06/2010 | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Wed Dec 28, 2011 7:54 pm | |
| Nặng Nợ với Người Chết Sau khi qua nhiều con hẻm ngoằn ngoèo của đường Đoàn Văn Bơ, Q4, TPHCM, chúng tôi mới tìm được nhà ông Bùi Văn Oanh (tự Ba Oanh, SN 1942). Dù mưu sinh với nghề chạy xe ba gác thuê để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng hơn 20 năm ròng rã, bất kể ngày nắng hay đêm mưa, ông Ba Oanh đã có mặt bên cạnh 700 người chết vô thừa nhận để lo mai táng miễn phí và đưa linh cữu của họ về tận cố hương. “ĂN CƠM NHÀ VÁC TÙ VÀ...”Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông đã bước sang tuổi lục tuần, đầy vẻ phúc hậu. Ông Oanh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cái duyên nghề kỳ lạ này. Cách đây 30 năm, cha của ông qua đời vì một cơn bạo bệnh. Lúc đó, gia đình ông rất nghèo, nghèo đến nỗi không có đủ tiền để lo ma chay cho đấng sinh thành. Ngày tiễn đưa cha về nơi an nghỉ cuối cùng, ông Oanh phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền mua hòm và những vật dụng cần thiết cho cha. Ký ức về cái nghèo đó cứ ám ảnh ông mãi. Mỗi ngày trên đường rong ruổi đạp xe ba gác, đi qua từng con đường, góc phố, ông lại chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương, rất giống với hoàn cảnh của mình, người xấu số ra đi nhưng khổ thay gia đình họ quá nghèo, không biết kiếm đâu ra tiền để lo ma chay. Bao nhiêu hình ảnh ngày xưa lại hiện về. Vì là người đã trãi qua nên ông càng thấm thía nỗi đau của họ. Vì thế, ông quyết tâm làm một điều gì đó để giúp họ vượt qua cơn khốn khó, đau buồn. Mới nghe ý định của ông là kêu gọi anh em, con cháu đứng ra lo tang lễ cho người nghèo, nhiều người bảo ông... khùng, vì ông cũng “nghèo rớt mùng tơi”, ăn cơm nhà mà lo việc thiên hạ.  Đội mai táng từ thiện Mặc, với tính khẳng khái của người Nam bộ, ông vẫn tiếp tục thực hiện ý định của mình. Ông đến từng nhà, kêu gọi từng người để lập ra đội mai táng Phước Thiện. Hầu hết 13 thành viên trong đội đều là những người hiểu rõ mục đích hướng thiện của ông Oanh nên đã ủng hộ, tham gia. Mọi việc không dễ, nên ông cùng đội mai táng cứ làm từng bước một. Ban đầu, ông đi xin hòm của một cơ sở chuyên đóng hòm ở Q7, Q12. Riêng áo quan, vải mũ (ướp trong hòm) do anh em trong đội bỏ tiền ra mua. Nghi thức cúng bái, tiễn đưa người chết về thế giới bên kia được ông và mọi người trong đội thực hiện rất nghiêm trang. Mỗi tháng các con cho ông hai triệu đồng để chi tiêu, thuốc thang tuổi già, ông đều chi tiêu rất tiết kiệm, phần còn lại để dành mua vật dụng dùng trong tang lễ. Có ngày đội mai táng của ông lo một lúc cho hai đám tang, trung bình mỗi năm đội đảm trách cả trăm đám tang. Mồng một Tết năm Tân Mão, đang ngủ thì ông nhận được điện thoại báo tin có một người nghèo chết mà không có tiền chôn cất. Ông bật dậy khỏi giường, phóng xe đi ngay. Sau nhiều lần gặp những gia đình giả danh người nghèo để lợi dụng đội mai táng nên ông đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Do vậy, sau khi nhận được thông tin, việc đầu tiên ông đến địa phương để xác minh người chết có thuộc diện khó khăn hay không, nếu đúng, ông cùng đội sẽ tiến hành tổ chức tang lễ. Không chỉ giúp đỡ cho các gia đình nghèo tại TPHCM, ông còn đi tới các tỉnh xa như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... để lo hậu sự cho những người nghèo. “Tui chỉ mong ở các tỉnh sẽ có nhiều người làm việc tốt để cùng chia sẻ gánh nặng, nỗi đau của những người bất hạnh” - ông tâm sự. Ngày 6-4-2011, nhận được đơn cầu cứu của chị Lương Thị Thúy Uyên (SN 1973) có người thân là anh Đặng Quốc Công (SN 1980) mất tại Bệnh viện Nhân Ái, Bình Phước, ông Ba Oanh đã đến tận nơi để cùng gia đình lo đám tang. CÙNG CHUNG TAY LÀM ĐIỀU THIỆNTrong gia đình, ông Oanh luôn dạy bảo các con phải sống tốt để cuộc sống có ý nghĩa hơn. Học tập cha, các con ông là Nguyễn Hữu Phúc (SN 1968, hành nghề chạy xe ba gác); Nguyễn Hữu Thành (SN 1972), Bùi Hữu Tuấn (SN 1979, cùng là công nhân khu chế xuất Tân Thuận) cũng cùng cha tham gia lo hậu sư cho những người nghèo. Khi nhắc đến bố vợ, hai người con rể của ông Oanh đều rất nể phục. Bởi điều kiện ông “tuyển dụng” con rể là phải biết... khiêng hòm. Hiểu được ý cha nên các anh cũng tham gia công việc rất nhiệt tình. Không chỉ thế, cháu ngoại của ông Oanh cũng rất năng nổ trong việc khiêng hòm. Ông Ba Oanh còn tự hào khoe rằng ông có một “hậu phương” vững chắc, luôn động viên ông và các con cháu làm điều thiện là người vợ Nguyễn Thị Yên. Chính vì có được một “lực lượng hùng hậu” tại gia nên lúc nào có yêu cầu, đội mai táng sẽ cắt cử người lo ma chay. “Hôm nay đứa này làm thì ngày mai sẽ tới lượt đứa khác. Nghĩa tử là nghĩa tận, lo sao cho chu tất là tụi tui mãn nguyện lắm rồi” - ông Ba Oanh trải lòng. Có nhiều lúc ông cùng đội mai táng lo đám tang cho những thanh niên sốc ma túy, hoặc cave bị nhiễm bệnh về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo ông, làm công tác xã hội thì không được phân biệt, kỳ thị, phải làm đám tang đàng hoàng để cho họ đỡ tủi. Trong nhiều đám tang của thanh niên hư hỏng, khi đội mai táng bước vào nhà thì chứng kiến cảnh bà con chòm xóm xa lánh. Lúc đó, ông Ba Oanh lại làm thêm nhiệm vụ thuyết phục mọi người cùng tiễn đưa người quá cố. Biết được việc làm nghĩa hiệp của ông Ba Oanh, nhiều Mạnh Thường Quân đã tham gia hỗ trợ, tiếp sức cho ông. Mỗi tháng, bà Lý Oanh - một Việt kiều tại Mỹ gởi cho ông 100 đôla để giúp ông kinh phí trang trải cho việc mai táng những người nghèo. Hội “Người tôi cưu mang” đã cử đại diện đến tận nhà ông, đưa ông đi mua vải mũ cho người chết, đồng thời hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hàng năm cho các thành viên trong đội mai táng. Suốt 5 năm qua, anh Sương - chủ trại hòm ở Q12 thường xuyên tài trợ hòm cho đội mai táng. Bạn ông Ba Oanh là anh Nguyễn Văn Đức (SN 1956) cũng thường xuyên tặng hòm miễn phí cho những gia đình nghèo có người chết. Ông Oanh cho biết, nhiều người giúp đỡ nhưng chưa bao giờ cho ông thấy mặt. Một phụ nữ tên Sương mỗi tháng gởi hàng chục bộ áo quan, hễ khi nào hết áo, ông gọi, cô Sương lại cho người mang tới, nhưng chưa bao giờ xuất hiện. Hiện mong ước lớn nhất của đội mai táng là có được một chiếc xe chở quan tài để tiết kiệm thời gian và các khoản chi phí khác. Những việc làm ấy của họ rất bình dị, rất đời thường nhưng cũng đầy ý nghĩa và đậm tính nhân văn. Trong dòng chảy bộn bề của cuộc sống, có thêm nhiều tấm lòng vàng như thế sẽ giúp tình người, tình đời, nhất là những vong linh ấm áp hơn. AN MỸ congan.com.vn 16/09/2011 | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Wed Dec 28, 2011 8:13 pm | |
| TRUNG "KHÙNG" NGHĨA HIỆPTT - Gần 12 giờ đêm, chuông điện thoại reo liên hồi. Đầu dây bên kia là giọng của Trung run run: “Anh ơi, anh ấy chết rồi. Em sợ quá, anh ra với em một chút được không? Em đang ở Bệnh viện Gia Định...”. Tôi chỉ kịp khoác chiếc áo rồi tức tốc lao đến bệnh viện. Vũ Hoàng Trung vui chơi với một bé bị bại não trong chương trình Trung thu do một nhóm từ thiện tổ chức - Ảnh: Dương Huy Ngồi cạnh cái xác đã trùm chăn trên băng ca là Trung với nét mặt biến sắc, áo quần dính đầy máu và đôi mắt rớm lệ. Siết chặt tay tôi, Trung cứ lắp bắp: “Sao lại thế hả anh? Giá như em đến sớm một chút thì chắc đã cứu được anh ấy... Em thấy như mình là người có lỗi!”. Nhiều ngày sau đó, tâm trạng “có lỗi” cứ ám ảnh lấy chàng sinh viên năm 3 của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. “Xin lỗi đã không cứu được anh!”Đó là một ngày cuối năm 2009, TP.HCM trời se lạnh. Trung đang trên xe buýt từ Thủ Đức về lại nhà trọ ở Gò Vấp, đến đầu cầu Sài Gòn thì xe kẹt cứng. Nhìn qua cửa kính, anh thấy một người đàn ông nằm co quắp trên vũng máu. Xung quanh là đám đông hiếu kỳ đứng nhìn. Chẳng kịp suy nghĩ, Trung kêu tài xế xe buýt mở cửa rồi lao thẳng tới nạn nhân, ẵm người bị nạn lên rồi vẫy taxi. Một vài chiếc taxi đi qua lờ như không thấy. Ở ngoài đám đông hiếu kỳ bàn tán: “Thằng nào khùng dữ vậy? Coi chừng rước họa vào thân...”. Kệ, Trung ẵm nạn nhân ra giữa đường chặn taxi rồi đưa đến bệnh viện. Đến ngã tư Hàng Xanh, khi đưa tay lên ngực nạn nhân thì anh mới biết người bị nạn đã tắt thở. Trung giục tài xế: “Nhanh lên, còn nước còn tát!”. Đến Bệnh viện Gia Định, bác sĩ hỏi gì Trung cũng gật đầu để làm thủ tục cấp cứu cho nạn nhân một cách nhanh nhất. Hơn 30 phút sau, bác sĩ ra thông báo với anh: “Nạn nhân đã không qua khỏi, xin chia buồn với gia đình!”. Lúc này Trung mới giật mình, bảo rằng mình không phải là người nhà rồi nhờ bác sĩ lục điện thoại để gọi cho gia đình nạn nhân. Mọi thủ tục khai báo đã xong, nhưng Trung vẫn không chịu ra về. Anh cứ đứng ngoài phòng nạn nhân nhìn vào, miệng lầm bầm: “Em xin lỗi vì đã không cứu được anh!” Một giờ sau người nhà nạn nhân mới tới, Trung chỉ kịp lắp bắp chia buồn với gia đình rồi lặng lẽ ra ngồi trước sân bệnh viện. Đêm đó Trung không về nhà, anh lang thang suốt đêm ngoài phố chỉ để tìm một câu trả lời cho chính bản thân mình: “Tại sao mọi người lại đứng nhìn mà không đưa nạn nhân đi cấp cứu? Giá như những người hiếu kỳ kia đưa nạn nhân đến bệnh viện sớm hơn thì người vợ, những đứa con thơ kia có mất đi người cha hay không?”. Nghe hỏi có sợ không khi cứu người như vậy, Trung nói thật thà: “Em chỉ nghĩ nếu là người thân của mình bị nạn như vậy thì mình có làm ngơ hay không mà thôi. Ngày thường em là đứa nhút nhát, sợ ma lắm, vậy mà chẳng hiểu sao lúc đó em quên hết...!”. Chia sẻ với Trường SơnSinh năm 1987, đến từ thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, Trung hay bị bạn bè gọi là Trung “khùng” bởi những hành động hơi “khác người” một tí. Tôi biết Trung trên một chuyến xe khách tình cờ từ Đắk Lắk đi Đà Nẵng giữa đường Trường Sơn vào năm 2008. Xe đang bon bon chạy thì lâu lâu Trung lại hối tài xế dừng lại, nhảy xuống xe nhìn nhìn, ngó ngó rồi lại nhảy lên xe đi tiếp. Khoảng hơn năm lần như thế thì tài xế cáu: “Ông đi đâu? Bộ khùng hay sao mà cứ bắt tui dừng hoài vậy cha nội?”. Trung chỉ im lặng, dán mắt ra ngoài cửa xe xem xét. Tôi thấy lạ, bắt chuyện, Trung cởi mở: “Em là sinh viên năm 2 Đại học Công nghiệp TP.HCM. Chuyến nghỉ hè này em muốn làm một việc gì đó cho lũ nhỏ ở Tây nguyên!”. Hỏi nơi nào em sẽ đến, Trung chỉ lắc đầu: “Em cũng không biết nữa anh ạ. Em chỉ biết đó là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh một con suối trên đường Trường Sơn”. Những người ngồi cạnh cười ồ: “Ông này khùng rồi, ngôi làng nhỏ cạnh suối ở Trường Sơn này thì có cả trăm ngôi làng... Không nói địa chỉ cụ thể thì sao biết được”. Mặc cho mọi người dồn ánh mắt dò xét về phía mình, Trung thản nhiên kể tiếp: “Năm rồi em cùng gia đình về Nghệ An thăm họ hàng, ngồi trên xe em thấy mấy đứa trẻ lem luốc ở truồng tắm bên suối mà lòng thắt lại. Vì thế em tự hứa với lòng mình là sẽ quay lại đây để chia sẻ với bản làng, với lũ trẻ dù là điều nhỏ nhoi nhất có thể...”. Xe vừa trờ tới thôn Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thì Trung hối tài xế: “Cho em xuống đây!”. Hành trang về với bản làng của chàng sinh viên nghèo chỉ là cái balô nhỏ với vài bộ áo quần, một ít lương khô và hơn 400.000 đồng làm lộ phí đi về. Nhìn Trung hăm hở khoác balô đi vào bản trong ánh nắng chiều, tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của anh trước lúc chia tay: “Em cũng chẳng biết sẽ giúp được gì cho bà con ở đây, nhưng em nghĩ cứ chia sẻ thì niềm vui sẽ đến với cả người nhận và người cho...!”. Suốt hơn một tháng ở lại với thôn Rô, ban ngày thì Trung theo người lớn lên rẫy làm cùng với họ. Chỉ cho họ cách bón phân cho cây, cùng họ đào mương lấy nước để tưới rẫy. Đêm thì Trung dạy thêm cho đám nhỏ, chỉ cho chúng biết cách sống vệ sinh hơn. Hay đơn giản chỉ là dạy cho sắp nhỏ cách chế tác các đồ chơi từ các thứ bỏ đi như giấy cũ, vỏ chai... Thôn Rô những ngày có Trung về như được tiếp thêm sức sống. Những người già trong làng ai cũng xem Trung như con cái trong nhà. Ngày Trung rời làng, cả làng ai cũng bịn rịn ra đầu đường đưa tiễn. Mấy tháng sau gặp lại, Trung tâm sự: “Trước đây em cứ nghĩ có tiền thì mới giúp được người khác. Nhưng bây giờ em nghĩ khác rồi, không có tiền mình vẫn có thể chia sẻ được với những người kém may mắn hơn mình. Đôi khi chỉ một nụ cười, một lời nói hay một hành động sẻ chia thật lòng của mình thôi cũng đủ làm người khác ấm lòng, giúp họ thêm tin yêu vào cuộc sống...”. Trở lại TP.HCM, ngoài giờ học gần như Trung dành hết thời gian còn lại để đi thăm hỏi, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn mà tình cờ mình biết được. Qua một diễn đàn từ thiện Trung biết được hoàn cảnh của Đoàn Minh Phú, một thanh niên sinh năm 1989 bị ung thư giai đoạn cuối. Thấy Phú nhà nghèo, hằng ngày phải quằn quại với cơn đau, sau giờ đi học về Trung lại đón xe buýt qua nhà Phú ở tận phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân để chăm sóc như anh em ruột thịt. Trung còn nhịn từng bữa ăn sáng của mình để mua sách rồi tối tối qua đọc cho Phú nghe để quên đi cơn đau đang hành hạ... Ngày Phú qua đời, Trung cũng là một trong những người có mặt đầu tiên để chia sẻ nỗi đau với gia đình Phú. Hỏi Trung về những chuyện đã qua, anh chỉ trăn trở: “Tại sao làm việc tốt với một số người lại khó đến thế? Em chỉ mong mọi người hãy xem đó là chuyện bình thường của lẽ sống, của đạo làm người. Bởi em nghĩ được chia sẻ với đồng loại là niềm hạnh phúc lớn nhất của con người...”. THẾ ANH tuoitreonline.vn 29/11/2011 | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Wed Dec 28, 2011 8:15 pm | |
| Trái tim Không Tật NguyềnTT - Tai nạn ập đến khi còn là một sinh viên khiến Trần Đỗ Huy phải nằm liệt giường. Những tưởng cuộc đời sẽ nhấn chìm trong đau đớn và tật nguyền, vậy mà chỉ với một ngón tay út cựa quậy được anh đã viết lên những câu chuyện đẹp trên thế giới mạng. Bạn bè hỏi chuyện, Huy nói nhẹ tênh: “Dù tật nguyền hay lành lặn thì cũng phải giữ lấy đạo làm người. Cái tình có thể cứu rỗi hết những đau thương và mất mát mà phận người phải đi qua...”. Chị Mai Trâm tìm đến cảm ơn Huy đã giúp chị vượt qua cú sốc tinh thần - Ảnh: Hồng Ánh Lời cầu cứu từ một bức thưGiữa năm 2008, trên trang mạng từ thiện Người tôi cưu mang xuất hiện một dòng thư ngắn được đăng bởi một thành viên có nickname Xelan90. Bức thư viết: “Tôi tên Trần Đỗ Huy, là một người tàn tật nặng không tự chăm sóc được bản thân. Nhưng hôm nay tôi lại muốn giới thiệu một hoàn cảnh khác cần sự giúp đỡ hơn tôi. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 1975. Cách đây khoảng hai năm, anh Nam bị tai nạn chấn thương cột sống cổ, nhưng cũng may là bị gãy ở đốt sống cổ thứ 7 nên anh Nam còn cử động được hai cánh tay, còn từ bụng trở xuống bị tê liệt, không cử động được. Hiện nay anh Nam đang sống cùng cha mẹ già với năm đứa cháu, ba đứa con nhỏ trong một căn nhà nhỏ thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Dương. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào hơn 100 cây cao su, chỉ có một mình vợ anh là lao động chính, lại vừa chăm sóc chồng con. Kinh tế gia đình anh Nam hiện tại rất khó khăn, tình trạng sức khỏe anh Nam rất yếu, không đủ tiền uống thuốc và ăn... Tôi đã và đang nằm liệt giường hơn 18 năm nay nên rất hiểu sự khổ sở của anh Nam. Thú thật nhà tôi ở gần nhà Nam, nhưng tôi chỉ biết Nam qua điện thoại sau những lần gọi điện động viên. Mong mọi người tìm cách cứu giúp người bạn chưa từng gặp mặt của tôi...”. Bức thư chỉ vỏn vẹn 504 từ, nhưng ít ai biết rằng Huy đã phải dồn hết sức trong ba ngày, mỗi ngày dành đến năm giờ vật lộn với ngón út duy nhất còn cử động được để gõ chữ. Anh tâm sự: “Tôi phải dồn hết sức để nâng cánh tay lên rồi thả xuống cho ngón út chạm vào bàn phím chứ có cựa quậy gì được. Ngày đầu tôi mới viết được vài dòng thì người mệt lả, nằm dài ra thở hổn hển... Nhưng khi nghĩ đến Nam, nghĩ đến con người đang trong cơn bi kịch và tuyệt vọng tôi lại cố gượng viết. Bởi tôi nghĩ không thể thấy người đang gặp hoạn nạn mà không giúp được. Hơn nữa đó cũng là cách giúp chính bản thân tôi, giúp trái tim tôi thoát khỏi sự tật nguyền...!”. Câu chuyện một người liệt tứ chi 18 năm đi xin giúp đỡ cho một người bạn bị liệt nửa người đã làm lay động nhiều thành viên trên mạng. Ngoài việc giúp Nam, nhiều người đã ngỏ lời giúp Huy nhưng anh từ chối: “Còn nhiều người có hoàn cảnh bi đát hơn tôi, xin các bạn hãy dành những khoản đó để giúp người khác, được như thế là tôi vui lắm rồi. Đừng xem tôi như một người tàn phế, hãy cho tôi cơ hội được sẻ chia, được sống như một con người bình thường...”. Tiếp theo câu chuyện của Huy, một bạn trẻ là sinh viên chia sẻ trên diễn đàn: “Cảm ơn anh Xelan90, cho em được gọi anh là hiệp sĩ xe lăn! Anh đã giúp những người trẻ như tụi em thêm tin yêu vào cuộc sống, tin rằng trên đời này vẫn còn những người tốt để tiếp tục hành trình làm người của mình. Câu chuyện của anh đã giúp tụi em hiểu hơn về tình người, về giá trị của sự sẻ chia. Và trên hết, đó là bài học biết sống vì người khác dù ở bất cứ hoàn cảnh nào...”. Như là cổ tích...Trần Đỗ Huy sinh năm 1970, quê ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Gia đình nghèo, mọi ước vọng của người mẹ già đều đổ dồn lên đứa con trai đang là sinh viên trường trung cấp xây dựng. Tai nạn bất ngờ vào năm 1990 đã cướp đi niềm hi vọng cuối cùng của gia đình anh. Tỉnh dậy sau sáu tháng mê sảng ở bệnh viện, Huy chỉ biết nhìn người mẹ già tiều tụy sau những ngày nuôi con mà khóc: “Con xin lỗi mẹ. Bây giờ con chỉ còn mỗi trái tim, con hứa sẽ dùng nó để làm người tử tế.” Ra viện, người mẹ già phải chạy vạy khắp nơi để lo thuốc thang cho con, của cải trong nhà bán hết nhưng số phận liệt giường của đứa con vẫn không thể nào thay đổi được. Trong cơn đau của thể xác và sự túng quẫn của gia đình, nhiều lần Huy đã không làm chủ được bản thân. Anh kể lại: “Thấy mẹ già vất vả, cơn đau thể xác liên tục hành hạ, tương lai lại mù mịt nên nhiều lúc tôi đã nghĩ quẩn. Năm 1998, nhân lúc mẹ đang làm vườn, tôi đã dùng dao lam tự cắt cổ tay mình để giải thoát cho bản thân và gia đình. Sau lần dại dột đó, tôi mới thấm thía hơn giá trị của mạng sống, trái tim tôi như được hồi sinh. Đó là một sự trải nghiệm quá đắt, chỉ mong rằng những ai đang lành lặn ý thức được điều này. Đừng để khi chạm cửa tử thần mới nhận ra giá trị thực của cuộc sống, đó là tình người và sự sẻ chia...”. Sau lần viết thư giúp Nam, nickname Xelan90 của Huy được nhiều người chú ý hơn. Anh trở thành một thành viên tích cực trên mạng từ thiện. Ngoài việc thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên Nam thì Huy còn là “nhà tư vấn tâm lý” tích cực cho những người đồng cảnh ngộ được giới thiệu trên mạng. Anh chia sẻ: “Lúc đầu đường đột gọi cho họ cũng khó khăn lắm. Có người không tin, nghĩ là mình lừa đảo gì đó... Nhưng bằng sự kiên trì và chân tình của mình dần dần người ta cũng hiểu ra. Mình chẳng có gì ngoài tấm lòng và kinh nghiệm của một người nằm liệt giường hơn 18 năm, những cuộc điện thoại đơn giản chỉ là tâm sự, chia sẻ những thiệt thòi với người cùng cảnh ngộ mà thôi. Có rơi vào hoàn cảnh này mới thấy hết giá trị của những lời động viên, đôi khi còn hơn cả những liều thuốc bổ... Với tôi cũng thế, càng giúp được nhiều người tôi lại thấy như mình khỏe ra”. Có một câu chuyện đặc biệt của một người đồng cảnh ngộ với Huy. Đó là chị Mai Trâm bị tai nạn liệt nửa người ở Cái Bè, Tiền Giang. Hai đứa con còn nhỏ, nhà lại nghèo nên chị hoàn toàn suy sụp trước bi kịch cuộc đời. Biết chuyện, Huy thường xuyên gọi điện động viên, nhờ thế mà tinh thần của chị ngày một khá hơn. Huy gieo cho chị niềm tin vào cuộc sống bằng những câu chuyện 18 năm bị liệt của đời mình. Nhờ những lời động viên của anh mà sức khỏe của chị ngày một bình phục. Mỗi khi Mai Trâm trở bệnh, Huy là người đầu tiên biết tin và vào trang mạng để thông báo với mọi người giúp đỡ kịp thời. Mới đây, chị Mai Trâm được các thành viên giúp đỡ đưa lên TP.HCM tập vật lý trị liệu, Huy cũng là người đầu tiên thông báo tin vui: “Hôm nay Mai Trâm đã chập chững tự bước được sau nhiều năm ngồi xe lăn. Nhận được tin này tôi vui như chính mình tìm lại được bước đi...”. Cứ thế, trong cuộc chiến đấu thầm lặng giữa đời mình, Huy có cái hạnh phúc riêng mạnh mẽ nhất của con người: nhận hết những nỗi đớn đau và tuyệt vọng để hóa giải nó thành sức mạnh niềm tin và hi vọng tốt đẹp nhất cho con người. THẾ ANH tuoitreonline VietNam 30/11/2011 | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Xuân về trên phố Fri Jan 06, 2012 11:55 am | |
| TTM - “Vậy là năm nay Tết đã đến nhà tui rồi”, một cụ già chạy xích lô trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) quay sang nói với đồng nghiệp sau khi nhận quà từ một nhóm bạn trẻ có tên gọi Aha trong đêm 28-1. Hơn 22h, gần 20 thành viên của nhóm chia quà trực chỉ bệnh viện Ung bướu, cầu Bùi Hữu Nghĩa, đường Nơ Trang Long… thẳng tiến theo sự hướng dẫn của những bạn đã đi tiền trạm. Trước đó hai tuần, một nhóm thực hiện kêu gọi bạn bè, người thân thông qua blog đã nhận được hơn 17 triệu đồng cùng nhiều quần áo, mền trong khi nhóm còn lại đi khảo sát những địa điểm có người vô gia cư sinh sống.  Cô Tạ Thị Ba trên đường đi lượm ve chai lúc 23h30 nhận quà từ một thành viên của nhóm Aha Ảnh: PHI LONG Phát quà trong đêm Thấy một cụ già đang ngồi co ro bên chiếc xích lô cà tàng trên lề đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), Trung Kiên dừng xe bước đến nói chuyện và tặng một túi quà. Ông Đức Hiếu chưa chịu nhận ngay khi biết trong nhóm có bạn đi làm, có bạn chỉ mới là SV vì “mấy cậu làm gì có nhiều tiền mà mua quà cho tui”. Sau khi được trấn an “quà do nhiều người quyên góp”, ông mới chịu mở quà trong khi khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên. “Nói thiệt chứ đạp xích lô mấy chục năm rồi và giờ mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn sống qua ngày. Tết đến nhà người ta chứ nhà tui nó hông đến”, ông nói nước mắt rưng rưng và cho biết thêm “Cái áo này để mặt cho ấm, còn đòn bánh tét mấy năm rồi tui không được ăn, mừng quá trời mấy chú ơi”. Hơn 23h30, khi chúng tôi gặp cô Tạ Thị Ba (50 tuổi) vẫn đang đi nhặt rác nơi lề đường trong một con hẻm ở P.13, Q.Bình Thạnh. Cầm phần quà do các thành viên trong nhóm trao, cô vẫn chưa tin và hỏi lại vài lần cho chắc ăn. Cô Ba kể rằng thời gian gần Tết phải đi sớm hơn, về khuya hơn không phải vì cần tiền mua sắm mà do giá cả tăng chóng mặt: “Hàng cá, hàng mắm muối cái gì cũng tăng hơn ngày thường trong khi ve chai bán vẫn thế. Tiền đâu mà sắm Tết, lo cái ăn hàng ngày còn khó khăn”. Trong đêm 29-1 sau đó, các thành viên trong nhóm chia ra chạy khắp các quận 1, 4, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận để phát hết 100 phần quà quyên góp được. Phạm Ngọc Anh đang làm phiên dịch viên tiếng Nhật cho biết, mỗi phần quà chỉ 160.000đ gồm mền, áo khoác, bánh tét… nhưng cả nhóm hy vọng nó sẽ làm ấm lòng phần nào những người sống ở lề đường, hè phố. Lúc đầu nhiều người còn e ngại nhưng sau khi nói chuyện và biết về công việc của nhóm đang làm khuôn mặt ai cũng rạng rỡ hẳn lên. Năm nay, Ngọc Anh dẫn theo cậu em trai đang học lớp 11 đi theo vì “muốn dạy cho em tính tự lập, biết quan tâm, chia sẽ với những người có hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống cũng như cách học làm người có ích”. Một thành viên của nhóm tặng quà cho một cụ già ngủ ở một trạm xe buýt trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Ảnh: PHI LONG Mang xuân đến cho người nghèoCách đây ba năm, khi đọc loạt bài Góc phố đời người đăng trên báo Tuổi Trẻ của PV Thế Anh, một thành viên của nhóm đã viết trên blog: “Và tôi biết, quanh tôi cũng có những con người đã, đang và có lẽ vẫn sống ở Sài Gòn, nhưng họ có những cảm nhận thật khác, với họ là cái nóng nung thân, cái lạnh cô quạnh trong những cơn mưa bạc bẽo. Họ là những bác xích lô ngủ vất vưởng trên chính chiếc xích lô be bé của mình, những cụ già, trẻ nhỏ, thậm chí cả một gia đình co ro nằm chen nhau một mảnh đất trống dưới gầm cầu, có người chẳng có chỗ nương thân, đành thất thểu trong đêm. Khi nhìn thấy một thân hình gày gò run run cuộn mình vào bao nilông trên vỉa hè, tôi thấy đau lòng và tự nhủ mình sẽ làm cái gì đó”. Và Aha – nơi gặp gỡ của một nhóm bạn trẻ đến từ nhiều quê quán khác nhau nhưng sống tại Sài Gòn đã ra đời và duy trì hoạt động ba năm nay. Trên blog của nhóm, các thành viên tự giới thiệu là phiên dịch viên tiếng Nhật, nhân viên văn phòng, sinh viên ĐH… nhưng có chung một mong muốn là mang chút xuân đến những người sống nơi đầu đường, hè phố. Cứ gần Tết, mọi người lại í ới gọi nhau chuẩn bị cho chương trình Xuân về trên phố và năm nay là lần thứ ba nó diễn ra. Không nhóm trưởng, cũng chẳng nhóm phó, các thành viên cho biết đơn giản họ là một nhóm bạn chơi thân với nhau và cùng muốn “làm một cái gì đó giúp người sống ở vỉa hè”. Thông qua blog, nhiều người đã biết đến nhóm nên tham gia chung và ủng hộ vật chất lẫn tinh thần. Đúc kết lại, Trịnh Kim Long (SV ĐH Hoa Sen) – một thành viên trong nhóm bày tỏ: “Cả nhóm chỉ nghĩ đơn giản là muốn mang chút xuân đến với những người kém may mắn trong cuộc sống. Và khi thấy họ vui mình cũng vui lây theo niềm vui đó”. PHI LONG tuoitre.vn 30/01/2011 | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Thu Feb 16, 2012 12:55 pm | |
| Cha Pierre và người vô gia cưTrên trang chủ của website mang tên ông www.fondation-abbe-pierre.fr/, đọc được chiều 23-1-2007, tức một ngày sau khi ông qua đời, vẫn là những thông báo như:
"Chỗ ở cho người lao động thời vụ nông nghiệp
Tháng năm tới, lao động thời vụ nông nghiệp sẽ được trú ngụ trong một tòa nhà cũ của nông trại ở xã Malaussene, gần Carpentras. Việc khôi phục tòa nhà này sẽ bắt đầu vào đầu 2007 này, gồm các phòng ngủ, nhà vệ sinh, bếp núc, phòng khách. Mỗi năm từ tháng 5 đến tháng 10, các lao động thời vụ này đến đây hái trái xơri và nho tại một khu vực mà chỗ ở đàng hoàng giá cả phải chăng đang thiếu thốn".
Carpentras là nơi mà vào năm 1990, các thành viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc của ông Le Pen quật mồ người Do Thái. Ở nơi người ta, nhân danh chính trị, đối xử với nhau tệ lậu, không tha cả người chết, thì ông cùng các huynh đệ của ông lo từng chỗ ở.
Còn về sự ra đi của ông, trên website những hậu duệ của ông đã không "thần thánh hóa" ông sau khi ông qua đời: chỉ một bức ảnh chân dung mộc mạc như chính con người và cuộc đời của ông, với vỏn vẹn vài chữ: "Cha Pierre đã rời chúng ta".
Dưới bức chân dung vẫn là những tin tức về cuộc đấu tranh giành chỗ ở cho người vô gia cư: chỗ ở cho người lao động thời vụ - báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp... và khẩu hiệu mang chữ ký của ông:"Chỗ ở, đó là một vấn đề của công lý".
Hậu duệ của ông đã nhất định đưa tiễn con người suốt đời chỉ mặc áo chùng thâm và cái nón bêrê trong vòng thân mật, đúng theo di chúc của ông. Người ta có thể giết một vĩ nhân một lần nữa bằng cách "thần thánh hóa" người ấy, trái với ý nguyện của người ấy. Song, vẫn không tránh khỏi một lễ quốc táng ở nhà thờ Đức Bà Paris.
Mùa đông năm 1954
"Trên mồ tôi, thay vì vòng hoa, hãy đem cho tôi những danh sách các gia đình, các trẻ em mà quí vị có thể trao cho họ chìa khóa của một chỗ ở thật sự" Linh mục Pierre Ngày 1-2-1954, ông lên Đài phát thanh RTL phát đi lời kêu gọi:
"Các bạn ơi, hãy cứu cấp... Một phụ nữ vừa chết cóng đêm qua lúc 3 giờ sáng, trên vỉa hè đại lộ Sebastopol. Tay vẫn còn nắm tờ lệnh trục xuất bà ra khỏi nhà ngày hôm qua. Mỗi đêm có hơn 2.000 người co ro trong giá lạnh, không nhà cửa, không cơm ăn, không áo mặc.
Hãy nghe tôi đây: chỉ trong ba tiếng đồng hồ, hai trung tâm hỗ trợ vừa được thành lập: một, trong một căn lều ở chân điện Panthéon; một, ở thị trấn Courbevoie. Ấy thế mà đã đầy những người và người rồi.
Phải mở thêm nhiều trung tâm khác nữa ở mọi nơi. Ngay tối nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mỗi khu phố ở Paris, những tấm biển dưới ánh đèn đêm, ở cửa những nơi mà chăn màn, nệm rơm, chút cháo lót dạ, với dòng chữ: "Trung tâm huynh đệ đỡ độ đường", hoặc những chữ đơn giản sau: "Người anh em đang khổ sở ơi, hãy bước vô, ăn một miếng, ngủ một giấc, rồi lấy lại hi vọng. Ở đây, chúng tôi yêu quí anh em".
Khí tượng dự báo một tháng băng giá kinh khủng. Chừng nào còn mùa đông, các trung tâm cơ nhỡ đó còn mở cửa. Trước những người anh em đang chết vì cơ hàn đó, làm người chỉ có thể có một suy nghĩ: quyết tâm không để cho sự thể đó kéo dài. Xin anh chị em rủ lòng thương yêu nhau đủ để, ngay lập tức, thực hiện được điều này. Tối nay, trễ lắm là sáng mai, phải có ngay 5.000 cái mền, 300 cái lều bạt, 200 lò sưởi thông khói...
Nhờ các bạn mà chẳng một ai, nam phụ lão ấu, tối nay sẽ phải ngủ trên nhựa đường hay trên bờ kè sông Seine".
Hôm sau, tiền bạc đã dồn dập đổ về chỗ ông: tổng cộng có đến 500 triệu quan Pháp. 1 quan Pháp năm 1954 tương đương 0,1780 euro ngày nay. Vị chi 28 triệu euro. So với tình hình vật giá lúc đó thì đây là một số tiền khổng lồ! Chưa hết, cuộc đấu tranh của ông đã dẫn đến đạo luật cấm đuổi nhà vào mùa đông.
53 năm sau, hằng năm ông vẫn cùng với tổ chức của mình đưa ra bản báo cáo thường niên về tình trạng chỗ ở tồi tàn ở Pháp, làm cái công việc mà lẽ ra mọi chính phủ đều phải làm và làm cho tốt.Danh Đức | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Fri May 24, 2013 4:49 pm | |
| | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Sun Jul 28, 2013 12:47 pm | |
| | |
|  | | Admin Admin

Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG Tue Apr 08, 2014 11:59 pm | |
| | |
|  | | Sponsored content
 | Tiêu đề: Re: NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG  | |
| |
|  | | | NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |