TTCT - Đó là khi tôi đến Huế. Và bắt gặp chân dung ông: mái tóc chải ngược, vầng trán cao, đôi mắt kính thư sinh, gương mặt rạng rỡ nhưng đau đáu nét buồn! Đúng là hình ảnh tôi đã gặp trên sách giáo khoa lớp 5 ở miền Nam 40 năm trước. Ông là vua Duy Tân...
Người Việt không biết hèn!
Tôi gặp lại ông ở An Lăng. Ngẫu nhiên xem trên bản đồ Huế thấy có một con đường mang tên Duy Tân và địa điểm An Lăng, hỏi thăm thêm thì được biết đấy chính là lăng của vua Dục Đức nhưng cũng là nơi thờ vua Thành Thái và vua Duy Tân. An Lăng không phải là một lăng tẩm nguy nga nằm bên núi sông hùng vĩ. Ngược lại, có vẻ như nó nằm nơi đồng không mông quạnh, kiến trúc hoang tàn.
Bất ngờ, khi gia đình tôi vào thăm điện thờ thì nơi đây vẫn đang treo những tấm ảnh của vua Duy Tân do con cháu ông vừa đem về triển lãm vào mùa hè 2013. Trong đó, bức ảnh mà tôi từng thấy được phóng to với màu tím man mác buồn. Qua hơn 20 bức ảnh, nhiều bức lần đầu tiên được công bố, dòng ký ức về cuộc đời ông bồi hồi tuôn chảy.
Đây, ngày ấy, cậu bé 8 tuổi đôi mắt tròn xoe không hiểu vì sao người ta đặt mũ miện và long bào lên mình, bắt làm vua. Đây chàng trai tuấn tú, tài hoa nhưng bị lưu đày trên đảo Reunion xa xôi. Và kia, một người đàn ông trung niên, gương mặt khắc khổ, gia nhập đội quân chống phát xít. Trên đường tìm về Tổ quốc, ông tử nạn khi mới 45 tuổi, trong một tai nạn máy bay đầy nghi vấn.
Nhiều ảnh song rất tiếc không có bức ảnh nào ghi lại vua Duy Tân năm 16 tuổi đã bỏ ngai vàng, tham gia quân khởi nghĩa. Không có ảnh nhưng người dân đã gìn giữ gần một trăm năm nay nhiều câu chuyện tưởng như huyền thoại đã làm ông trở nên bất tử.
Một trong những câu chuyện về ông làm tôi nhớ mãi là câu chuyện vua Duy Tân đặt câu hỏi cho những người tùy tùng: Tay bẩn thì rửa bằng nước, thế còn nước bẩn thì rửa bằng gì? Và rồi, chính nhà vua 16 tuổi đã tự trả lời: Nước bẩn thì phải rửa bằng máu! Hơn 10 năm sau, trong Bài ca chúc tết thanh niên, Phan Bội Châu cũng đã kêu gọi: Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ!
Lạ thay, khẩu khí đó, ý chí bất khuất đó không chỉ cất lên từ người trí thức, người dân đang bị đọa đày mà còn cất lên từ ông vua trẻ đang ở trong cung vàng điện ngọc. Ông vua ấy không cam chịu làm bù nhìn dù được quân ngoại bang thống trị nuôi nấng, vỗ về từ nhỏ. Ông liên lạc với các sĩ phu yêu nước, dấn thân vào con đường tranh đấu. Tiếc thay, năm ấy lực lượng khởi nghĩa còn non yếu, thời cơ chưa đủ, việc lớn không thành.
Nhà vua trẻ bị bắt chỉ vài ngày sau giờ khởi nghĩa nhưng tuyệt nhiên không xin trở lại làm vua, không xin ân xá. Truyền thuyết kể rằng khi xuống tàu đi lưu đày, ông từ chối không mang theo tiền bạc, chỉ nhắn lại mong muốn mang theo bộ sách về Đại cách mạng Pháp. Kẻ thù sợ hãi khí khái đó, tiết tháo đó nên không cho ông mang theo sách vở, mang theo những tư tưởng ánh sáng.
Thế nhưng chúng không cầm tù được ý chí vươn lên của vị phế đế trẻ. Ở nơi lưu đày trên Ấn Độ Dương, ông đã tự tìm đến sách vở, tự tìm đến ánh sáng của nhân loại. Ông học hành giỏi giang, viết văn làm thơ, tự học vô tuyến điện, tự phá vây liên lạc với thế giới bên ngoài. Ông là ai mà có được nghị lực như thế? Phải chăng ông chính là hình mẫu người Việt không biết hèn, không chịu hèn trong bất cứ hoàn cảnh nào!
Tuổi Duy Tân, tuổi Tự Cường
Miên man những dòng suy nghĩ bên những bức ảnh, bỗng nghe con tôi hỏi: “Bố ơi sao trong chương trình học lịch sử từ lớp 6 đến lớp 9, con không thấy nói nhiều về vua Duy Tân?”. Tôi chưa biết trả lời thế nào vì quả thật sách vở đời nay đã khác xưa nhiều lắm.
Những năm trước, tôi phát hiện sách lịch sử tiểu học bắt học trò thuộc lòng ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng Điện Biên Phủ nằm ở đâu thì không viết. Sách viết kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhưng những cuộc khởi nghĩa chống Trung Quốc xâm lược thì chỉ gọi chung là chống quân xâm lược phương Bắc.
Ngay thời hiện đại, hai cuộc chiến biên giới và hải đảo bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ cũng chỉ đề cập ngắn gọn. Tựu trung, sách viết thiếu hoặc còn nhiều điểm phải tranh luận.
Mặt khác, sách học sử vẫn viết về sự kiện lịch sử nhiều hơn con người, viết về bài học lịch sử chung chung nhiều những suy ngẫm muôn đời.
Thôi thì lịch sử sẽ còn phải viết lại khi có thêm tư liệu được giải mật hay mới tìm ra. Song muốn có điều đó, các sử gia từ xưa đến nay đều phải giữ được tấm lòng trung thực và chí khí dũng cảm. Thôi thì, tôi giải thích với con mình: “Sách vở nào cũng không đủ bằng thực tế. Chính vì vậy, mình cần đi đây đi đó học hỏi, tìm hiểu thêm con nhé”.
Khi nói thế, tôi chợt nhìn thấy trong đôi mắt thư sinh của con tôi vẻ hoài nghi, bướng bỉnh của tuổi mới lớn! Và tôi sực nhớ năm mới, con tôi bước vào tuổi 16. Đó là tuổi khát khao khám phá, tuổi tìm đến tự do, không dễ nghe dễ bảo như trước nữa. Đó là tuổi Duy Tân, chỉ có thể thuyết phục, chỉ có thể đồng thuận nếu như thế hệ trước đó trung thực và gương mẫu.
Ngẫm xem, chính vua Duy Tân đã được thuyết phục bởi Phan Bội Châu, bởi Trần Cao Vân và Thái Phiên, những sĩ phu trung trực và bất khuất. Tuổi Duy Tân đời nay chắc sẽ còn đòi hỏi thế hệ cha anh nhiều hơn tinh thần ấy, phong cách ấy để mau chóng hoàn thành giấc mơ Duy Tân, giấc mơ đất nước tự cường của người Việt từ mấy thế kỷ nay.
Đó cũng là giấc mơ của những người trẻ không ham vinh hoa phú quý cá nhân, không làm ngơ trước những nỗi đau của dân tộc, dẫu là một ông vua.
PHÚC TIẾN
Tuoi tre cuoi tuan
03/02/2014