TIM VIỆT FORUM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» Những Vùng Tối
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptyFri Sep 20, 2019 3:02 am by Tuyet Bang

» Vì sao đại bàng đầu trắng là loài vật biểu trưng của Mỹ?
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptyTue Sep 25, 2018 11:57 am by Admin

» Hoa Bỉ Ngạn
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptyTue Sep 25, 2018 11:53 am by Admin

» “Bỏ túi” 8 cách phân biệt mật ong cực đơn giản
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptyTue Sep 25, 2018 11:48 am by Admin

» Bò Kho
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptyMon Sep 24, 2018 3:43 pm by Admin

» NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySun Sep 23, 2018 12:19 am by Admin

» BÀI PHÁP VỀ BỐN LOẠI NGỰA
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySun Sep 23, 2018 12:18 am by Admin

» KHÉO GIỮ SÁU CĂN
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySun Sep 23, 2018 12:17 am by Admin

» NGUỒN GỐC CỦA ĐAU KHỔ
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySun Sep 23, 2018 12:17 am by Admin

» TÌNH VÀ NGHĨA TRONG CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySun Sep 23, 2018 12:02 am by Admin

» CUỘC SỐNG KHÔNG CẦN OÁN TRÁCH, TẤT CẢ ĐỀU CÓ AN BÀI
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:57 pm by Admin

» Lỡ Phá Thai Hãy Gấp Tụng Kinh Địa Tạng 49 Lần Để Giúp Trẻ Sớm Siêu Thoát
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:55 pm by Admin

» NHÂN CHẲNG SINH DIỆT, QUẢ CHẲNG SINH DIỆT
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:54 pm by Admin

» TẠI SAO TỪ BI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI NHẪN NHỤC?
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:53 pm by Admin

» TRONG SINH DIỆT, RÕ CHẲNG SINH DIỆT
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:52 pm by Admin

» HIẾU HẠNH
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:51 pm by Admin

» Vạn vật vì duyên hòa hợp mà sinh, cũng vì duyên mà diệt
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptySat Sep 22, 2018 11:50 pm by Admin


 

 TU TÂM - TT. Thích Thông Phương

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 3155
Đến từ : Rain City
Registration date : 10/06/2008

TU TÂM - TT. Thích Thông Phương Empty
Bài gửiTiêu đề: TU TÂM - TT. Thích Thông Phương   TU TÂM - TT. Thích Thông Phương EmptyWed Nov 15, 2017 3:37 pm

TU TÂM
(TT. Thích Thông Phương)

Có nhiều người thường nói tôi không cần tụng kinh niệm Phật..., chỉ "tu tâm" thôi! Vậy xin hỏi: Tu tâm là gì? Mới nghe nói tưởng như đơn giản, song đến lúc bị người hỏi nghiệm lại thì không biết đáp sao? Hóa ra, chỉ biết nói còn hiểu thì chưa thực hiểu. Cho nên, chúng ta cần phải suy gẫm để nhận hiểu ý nghĩa thiết thực của việc tu tâm.

Suy xét kỹ, thì tất cả tội lỗi của con người đều phát xuất từ tâm. Tâm là gốc, là nơi phát sinh ra các thứ tội lỗi. Do đó, nếu ứng dụng tu hành mà không tu từ gốc tâm căn bản thì làm sao hết tội được.

Thí dụ, người đi ăn trộm cắp hoặc chửi mắng người khác, hay giận hờn đủ thứ thì những việc làm, lời nói và trạng thái tâm lý trên từ đâu mà có? Ăn trộm là do không dừng tâm tham nên mới phát sinh hành động trộm cắp. Rồi nóng giận, chửi mắng cũng vậy. Do tâm nóng giận mới có chửi mắng, hoặc là có tâm tà dâm mới thành nghiệp tà dâm.

Như có người trộm cắp, biết mình sai nên mỗi tối đến chùa sám hối hoặc lạy 108 hồng danh chư Phật, như vậy hết tội ăn trộm chưa? Nếu người đó không dừng được tâm tham, thì ngày khác đủ duyên cũng sẽ ăn trộm nữa.

Hoặc có vị tạo khẩu nghiệp chửi mắng người rồi cũng vào lễ Phật sám hối. Nếu không dừng được gặp chuyện, thói quen sân phát sinh lại chửi mắng nữa, thành ra không hết tội được. Thế nên, người muốn sạch mọi tội lỗi thì phải dừng tâm tham…, trừ tham tận gốc thì tội mới sạch.

Vì không hiểu nên có những trường hợp tu lộn ngược. Như xưa, ở nước Kosala có một Bà-la-môn chuyên tu khổ hạnh. Người này quan niệm vì có thân nên có tội lỗi, nay muốn hết tội thì phải sửa từ thân. Nghĩ như vậy nên Bà-la-môn liền dùng năm lò lửa để đốt nướng hành thân mình hết sức khốn khổ, cho rằng làm như vậy mới tiêu mòn nghiệp khổ. Lâu ngày, đầu tóc khô giòn, môi miệng nứt nẻ, người thế gian gọi ông là La Hạt Chích, vì trông giống như cây cải bông nướng.

Có một cô ni nghe tin đồn tìm đến. Cô nhìn thấy lối tu của Bà-la-môn như vậy nên thương xót, nói với ông: “Cái đáng thiêu mà ông không thiêu, lại đi thiêu lầm cái không đáng thiêu, sao mà si mê vậy?”

Tức là cái đáng thiêu mà không chịu thiêu, còn cái không đáng lại lo đi thiêu, như vậy là lầm lẫn, si mê.

Vừa nghe, lửa sân trong tâm ông phừng lên, giận dữ mắng: “Đồ con lừa, ngươi nói cái gì là cái đáng thiêu?”

Cô ni bảo: “Cái đáng thiêu chính là cái tâm nóng giận của ông đó”.

Nghĩa là cái đáng thiêu thật sự chính là tâm nóng giận của ông, ông thiêu cháy được tâm nóng giận đó mới hay. Chứ còn ông lo đốt nướng thân này mà tâm sân không hết thì tuy có sự dụng công nhưng khổ não vẫn còn nguyên không tiến bộ. Cho nên, nếu ai thiêu cháy được các thứ tâm nóng giận… thì mới thật sự thiêu sạch tội lỗi. Giống như chiếc xe không đi, thì đánh trâu chứ ai mà lại đánh chiếc xe. Cũng vậy, phải đánh cái tâm kia, thiêu cháy tâm kia thì thân mới hết bị dày vò, đau khổ.

Bà-la-môn tỉnh ngộ, quỳ lại cô ni.

Nhiều khi, chúng ta không thấu suốt được lẽ thật, khi nghe nói hoặc là thấy người ta làm thì bắt chước làm theo. Vì vậy, có nhiều trường hợp, người dụng công tu khổ hạnh rất công phu nhưng không đúng pháp nên tu lâu mà không hết tội. Cũng như Bà-la-môn này tuy có tâm tu hành muốn dứt khổ nhưng vì không rõ pháp tu chỉ lo đốt thân còn tâm không chịu đốt, nên sân hận vẫn còn nguyên vừa gặp duyên là nó phừng cháy nổi giận mắng người liền.

Chúng ta cũng vậy, vì muốn sạch nghiệp nên ép thân tu các pháp khổ hạnh như uống nước lạnh. Tuy uống nước lạnh, nhưng tâm không lạnh mà vẫn còn nóng như thường. Đây gọi là tu gốc ngọn lộn ngược, tội lỗi không bao giờ hết. Gốc của tội sanh từ tâm, không tu ngay gốc mà chỉ lo hành thân xác, trong khi thân này đâu có lỗi gì, thật là tội cho nó.

Như cái miệng nó đâu có biết nói bậy, nhưng chúng ta thường đổ thừa cái miệng nói bậy. Cái miệng này là hai miếng da bọc thịt hợp lại thì đâu biết nói bậy? Nói bậy là do tâm, từ tâm dấy khởi rồi tác động lên cái miệng. Nên miệng chỉ là cơ quan phát chứ không phải chủ động mà lại đổ lỗi tại cái miệng nói bậy. Nếu không trừ được cái gốc bên trong mà đổ thừa cái miệng, đó cũng là một cách trốn tránh trách nhiệm. Nên tu là phải thấy ngược trở lại, trừ được tận gốc thì tội mới sạch.

Xưa, có vị sa-môn muốn độ hai vợ chồng nghèo ở Xá-vệ, nên ngài đến nhà họ khất thực. Gặp lúc ông chồng đi vắng, bà vợ ra thấy thầy sa-môn là liền ghét bèn mắng chửi, đuổi: “Ông dù có ốm yếu đến nỗi đứng chết ngay tại chỗ tôi cũng không cho thức ăn, huống nữa là còn mạnh khỏe như vầy mà xin ăn cái gì?”

Bà vừa dứt lời, vị sa-môn liền dùng thần thông chết đứng ngay tại chỗ, chỉ giây lát thây chết sình trướng bay mùi hôi. Bà hoảng sợ bỏ chạy la hớt hãi. Sau đó, vị sa-môn thâu thần thông hiện lại tướng cũ, đi đến ngồi dưới gốc cây xa xa. Khi chồng về, nghe vợ kể lại lấy làm tức giận hỏi sa-môn đâu. Bà vợ mách chỉ, ông lập tức đeo cung tên, xách dao đi định tìm giết vị sa-môn này. Thấy ông đến, vị sa-môn ấy hóa ra một thành pha lê trong suốt bao phủ toàn thân, nên mặc dù thấy vị sa-môn ngồi đó nhưng ông không chạm vào được.

Ông đi vòng vòng không biết làm sao, mới nói: “Này đạo sĩ! Sao không mở cửa ra?” Sa-môn bảo: “Ngươi hãy buông dao, cung tên xuống đi thì tôi sẽ mở cửa”.

Người chồng nghĩ mình khỏe mạnh dùng tay không đánh sa-môn ấy cũng chết cần gì vũ khí, nên buông hết cung tên xuống. Nhưng khi buông xong vẫn thấy vị sa-môn ấy trơ trơ không mở cửa, ông liền hỏi thì sa-môn ấy bảo: “Tôi muốn nói ông hãy buông dao và tên ác trong tâm của ông, chứ không phải là dao, tên ở trong tay”. Người chồng nghe nói giật mình, không biết vì sao sa-môn này thấu biết được tâm ý của mình, nên hoảng sợ, sau tỉnh ngộ cầu xin xám hối. Sa-môn nói pháp độ người chồng kia.

Ý nghĩa câu chuyện trên giúp chúng ta thấy, chính dao, tên ở trong tâm người mới nguy hiểm, mới là cái gốc để tạo thành tội lỗi. Vì nếu có dao, cung tên ở ngoài mà không có dao, cung tên ở bên trong thì đâu thành vấn đề, nhiều khi còn có lợi.

Ví dụ như chúng ta không có tâm ác độc, hay không có tâm dao búa thì dùng dao… có ích lợi như giúp xắt thức ăn, chẻ củi… Nhưng vì có tâm dao búa nên khi sử dụng chúng thật là nguy hiểm. Sa-môn nói buông là buông dao trong tâm, chứ không phải là buông dao ở ngoài, hiểu như vậy mới thấy được cái gốc của sự tu.

Tu tâm là pháp gốc, nếu khéo tu ngay pháp này thì sẽ thông suốt được tất cả pháp, vì tu tâm là pháp tu căn bản.

Nhưng nếu chỉ hiểu tâm là gốc, tu căn bản từ tâm thì cũng chưa đến đâu. Điều trọng yếu là phải biết rõ tâm là gì. Quý vị biết chưa? Nó ở gần chúng ta nhất mà không biết, và nếu người không biết thì không lẽ không có tâm sao?

Tâm là biết. Chính từ cái biết này mới tạo thành bao nhiêu nghiệp lành, nghiệp dữ… ở thế gian, cho đến cả nghiệp vô lậu xuất thế gian cũng từ cái biết này. Ví dụ như nhìn thấy thỏi vàng, bởi biết nó là thỏi vàng nên mới sanh tâm trộm vàng, hoặc tranh đoạt vàng. Cũng vậy, vì có tâm nhận biết tội, phước mới bỏ tội, làm phước mà tu hành và chính do tâm biết nên mới đến đây ngồi nghe pháp…

Nhưng trong tất cả cái biết đó cũng cần phân biệt rõ, nếu không khéo chỉ nhận cái biết buồn thương, giận ghét để tu thì sự tu hành cũng theo đó đi xuống.

Có cái biết trong sáng, có cái biết không trong sáng; cái biết vô minh và cái biết giác ngộ. Nghĩa là cái biết theo duyên theo cảnh, phân biệt hơn thua, yêu ghét là cái biết còn mang nặng cái tôi trong đó, thuận với tôi thì tôi yêu, nghịch với tôi thì tôi ghét… cái biết đó là cái biết có mang vô minh, chấp ngã, gọi đó là cái biết phiền não, vô minh.

Bởi tâm biết cái này, cái nọ, cái kia đủ thứ hết, nhưng chỉ biết bao quanh cái ngã hư dối nên từ đó sinh ra bao nhiêu thứ nghiệp đấu tranh gây đau khổ cho nhau, chỉ vì sống thu hẹp trong cái tôi.

Còn cái biết giác ngộ, tức cái biết quên duyên, cái biết mới mẻ, tinh khôi, cái biết vô niệm, nó không mang màu sắc của cái tôi thì đó là cái biết thanh tịnh, trong sáng, đó mới là cái biết giải thoát khổ đau.

Tu là phải khéo tu ngay cái biết này. Phải hiểu thấu được ý đó, mới thấy được chỗ tu hành của mình. Nếu chỉ nói tu tâm mà không biết tâm là gì thì làm sao tu, hóa ra cũng là nói trên chữ nghĩa.

Điểm nữa là khi hiểu được tâm là cái biết trong sáng như trên đã nêu. Nhưng cái biết đó nó ở ngay nơi chính mình, nên người khéo tu tâm phải thường thấy lại mình hơn là thấy ra bên ngoài, vì tu tâm mà! Nếu nói tu tâm mà cứ lo nhìn bên ngoài, lo nhìn người này, người kia thì không đúng.

Cho nên, tu là phải khéo thấy lại mình, có thấy lại mình thì mới biết sai để sửa và thức tỉnh.

Kế nữa, nếu chúng ta không khéo soi lại mình thì không thấy được tâm, tâm mình không chịu thấy lại lo đi thấy bên ngoài, nếu chỉ thấy người bên ngoài thì làm sao sửa lỗi, làm sao tỉnh giác! Nhưng, thường người ta lại thích thấy người này, thấy người kia hơn là thấy lại mình. Như trong kinh Pháp Bảo Đàn, Ngài Thần Hội hỏi Lục Tổ: “Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay là chẳng thấy?” Lục Tổ đánh cho ba gậy, bảo: “Ta đánh ông là đau hay chẳng đau?” Ngài thưa: “Cũng đau mà cũng chẳng đau”. Lục Tổ bảo: “Thì ta cũng thấy mà cũng chẳng thấy”.

Ngài Thần Hội hỏi lại: “Thế nào là cũng thấy mà cũng chẳng thấy?”

Lục Tổ bảo: “Chỗ thấy của ta là thường thấy những lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy phải quấy, tốt xấu của người khác, do đó cũng thấy mà cũng chẳng thấy. Ông nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào? Nếu ông chẳng đau thì đồng như cây đá, nếu ông đau thì đồng với phàm phu, tức khởi sân hận, ông về trước nói thấy và chẳng thấy là hai bên, đau và chẳng đau là sanh diệt, ông còn chẳng thấy tự tánh mà dám đùa với người.”

Ngay đó, Ngài Thần Hội lễ bái, tạ lỗi.

Tổ lại nói: “Tâm ông nếu mê chẳng thấy thì hỏi Thiện tri thức để tìm đường, còn tâm ông nếu ngộ, tức tự thấy tánh, y pháp tu hành, ông tự mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì tự biết, há thay cái mê cho ông, nếu ông tự thấy cũng chẳng thay được cái mê cho ta, sao chẳng tự biết tự thấy mà hỏi ta thấy cùng chẳng thấy.” Thần Hội lại lễ hơn một trăm lạy, xin sám hối tội lỗi rồi siêng năng hầu hạ bên cạnh Lục Tổ không rời.

Đây là chỗ mà nhiều người học thiền thường hay mắc phải. Học được một chút thì muốn đi thử vị này vị kia xem thầy này ngộ chưa, thầy kia ngộ chưa. Sự thật thì thầy ngộ hay không ngộ là chuyện của thầy, thầy đâu có thay được cái ngộ của mình, chưa gì đã lo đi gạn hỏi người khác, chỉ thấy người mà quên mất chính mình, đó cũng là tâm hơn thua.

Ở đây, Lục Tổ quở Ngài Thần Hội và dạy rõ chỗ thấy hay không thấy là chuyện của ta, ta thấy cũng là việc của ta, ta không thấy cũng là của ta. Ta có thấy thì cũng không thay được chỗ thấy của ông. Cũng vậy, ông có thấy, có ngộ được thì cũng không thay được cho ta, cần yếu là ông có soi lại để tự thấy nơi mình hay không, đó mới là điều quan trọng, là điểm then chốt để tu hành. Còn như chỉ lo hỏi người, đi nhìn nơi người, vì mê nên quên mất soi lại chính mình, đó là lỗi lầm nên bị Tổ quở.

Nhờ có soi lại mình mới thấy được sự thật của chính mình, mới thấy được mình còn mê, còn chưa đến nơi, do đó mới có sự nỗ lực để tiến thêm nữa. Nếu chưa gì mà chỉ lo đi thấy người, đôi khi lại sinh ngã mạn.

Nếu nghiệm thử thì việc chúng ta đi gạn hỏi người ta để chi? Vì muốn biết hơn thua. Giả như lỡ bị người ta hỏi lại đáp không được thì sao? Bí thì liền nổi sân, càng lộ cái mê của mình ra thêm nữa.

Quý vị nên nhớ, người tu kỹ là người thường thấy lại mình rất kỹ, chứ không phải là thấy người kỹ.

Sách kể về một vị tăng trẻ Tây Tạng tên Ben, thầy giữ giới luật rất nghiêm túc. Một hôm, thầy này được thí chủ mời đến thọ thực tại tư gia. Trong lúc cả nhà đang lăng xăng dọn thức ăn thì khi đó vị thầy trẻ này đói bụng. Thầy đi vào bếp, thấy phía sau có một bao bố đựng trà, định bốc bỏ vào miệng ăn cho đỡ đói, nhưng khi vừa thò tay vào bao trà, thầy chợt tỉnh liền la lên: “Ăn trộm, ăn trộm!” Bấy giờ, mọi người lăng xăng chạy vào, người cha cầm cây gậy thủ thế sẵn hỏi ăn trộm ở đâu vì tưởng có trộm thiệt. Thầy đỏ mặt, giơ tay nói trước mọi người: “Chính tôi vừa tự bắt gặp tôi”.

Nghĩa là chính vị thầy ấy đang lợi dụng lòng tốt của gia chủ, cho nên ăn trộm chính là thầy. Sau đó, thầy nguyện lớn rằng: “Nếu từ đây về sau còn tái phạm thì chặt bỏ tay luôn”.

Tu kỹ là phải vậy đó! Tự kiểm lại mình, tự thấy lỗi mình, nếu không thì một bề biện hộ cho mình, vì khi đó vị thầy đã rút tay ra là không phạm lỗi trộm rồi.

Một lần khác, bấy giờ các vị Lạt Ma trưởng lão được mời đến gia đình thí chủ sang trọng để thọ cúng dường. Theo phép, mọi người ngồi theo thứ tự, trên là bậc trưởng lão rồi dần dần xuống những vị mới tu. Người hầu cận bắt đầu rót sữa dâng trước, cũng theo thứ lớp từ trên xuống.

Thầy Ben này nóng ruột thấy người rót sữa còn cách chỗ mình ngồi xa quá, mà bình sữa thì nhỏ nếu đến chỗ mình thì chắc sữa đã cạn. Vừa nghĩ đến đó, Thầy liền tỉnh ngộ, la to giữa đám tiệc: “Ôi! Tham lam, tham lam!” Sau đó, đúng như dự đoán của anh ta là sữa trong bình đã cạn hết, người nhà lấy bình khác rót sữa tiếp, khi đến bát của thầy Ben vừa định rót vào thì thầy ngăn lại nói: “Thôi cảm ơn, ý nghĩ tham lam của tôi đã uống hết phần sữa của tôi rồi, thôi khỏi cần nữa!”

Đó là can đảm, là tu kỹ thật sự. Thầy đã xét mình rất kỹ, lại thêm can đảm dám bày tỏ lỗi mình giữa nơi đông người. Nếu là chúng ta thì có dám làm như vậy không? Nhiều khi còn giấu để đỡ mất mặt.

Dẫn chuyện này để thấy rõ tu tâm là phải thường thấy lại mình rất kỹ như vậy đó, để tập và thật sự làm chủ nơi tâm mình, nó vừa khởi là thấy biết liền, là dừng lại liền. Còn như chạy theo hoặc là nuôi dưỡng nó thì đó là càng thêm trái xa. Được vậy mới là người có sự sống chân thật, không để những tâm hư vọng chuyển.

Lâu nay, chúng ta nói sống với tâm mình nhưng thực đâu có sống được chút nào, vì luôn bị động, bị lệ thuộc vào những thứ vọng tưởng đâu đâu. Xét kỹ rồi chúng ta sẽ có sức tỉnh giác mạnh.

Ở Nhật Bản có câu chuyện thiền kể về một vị tướng đã về hưu, học thiền. Ông này có bộ tách cổ quý giá, nên rất trân quý, lâu lâu đem ra ngắm hoặc mân mê. Một hôm, đang cầm cái tách mân mê, chợt sẩy tay rớt, ông hoảng hồn chụp lại. Khi đó, mặt ông xanh mét. Tại sao? Vì sợ cái tách bể chứ không gì hết.

Khi hoàn hồn lại, ông nghĩ: “Xưa kia, trong chiến trận ta đã từng vào sinh ra tử, trước hàng hàng quân địch, lớp lớp cung tên, vẫn không có chút sợ hãi, nay chỉ vì cái tách nhỏ thôi mà lại hoảng kinh hồn vía”. Ngay đó, ông thuận tay quăng bỏ vỡ nát vì biết sự lo sợ đó là do tâm luyến ái cái tách quý, sợ nó bể nên như thế.

Đó cũng là một cách thấy lại mình, tỉnh giác; thấy rõ vì sao bây giờ mình dở, chỉ vì cái tách vỡ thôi mà hoảng hồn xanh mặt, còn ngày xưa vào sinh ra tử lại coi như chuyện chơi không sao hết.

Chúng ta kiểm lại thấy có lúc cũng giống như vậy. Chính vì tâm thích cái tách quý nên sợ mất sợ bể, chỉ chút đó thôi nhưng tâm tham ái đã làm chúng ta bị lệ thuộc, bị nô lệ không làm chủ được. Cho nên, phải thường thấy lại mình, tập làm chủ trở lại, nếu không thì vẫn tiếp tục bị nó làm chủ và bị nó dẫn đi rồi làm nô lệ cho nó luôn.

Người đời nói nghe hay, nhưng hầu hết cuộc sống luôn bị nô lệ bởi tâm tham ái. Quý vị có ai thoát khỏi sự nô lệ ấy chưa? Nếu chưa thì tất cả đều đồng ý là đang sống trong nô lệ. Thử hỏi, có buồn không? Nên tu là phải thấy rõ mình rồi thức tỉnh, bằng không thì cứ mãi tự hào.

Ví dụ như quý vị biết nổi sân là cái dở, là cái dẫn chúng ta đi xuống. Vì biết nên đâu có ai muốn sân, nhưng khi gặp việc thì cũng sân, cũng tức, rõ ràng chúng ta bị nô lệ để nó làm chủ mình. Buồn cũng vậy, ai cũng muốn vui chứ đâu ai muốn buồn, nhưng gặp chuyện rồi cũng buồn, đôi lúc muốn đuổi buồn đi mà đuổi không được, lên giường ngủ cũng nhớ đến nên ngủ không được luôn. Rồi như tham ái, cũng bị nó làm chủ dẫn đi mãi… Chúng ta tu là tập để dần làm chủ trở lại. Đây là việc mình phải làm vì không ai làm thay được, đó là việc quan trọng mỗi người phải khéo biết.

Như vậy, nói tu tâm là phải biết tâm là gì, phải thường thấy lại nó thì chúng ta mới tu được.

Thêm bước nữa là chúng ta phải thường khéo chuyển vật, vì tu tâm thì không theo vật mà phải chuyển vật. Lâu nay cuộc sống chúng ta luôn quên mình theo vật, gọi là bỏ mất bản tâm. Trong kinh Pháp Hoa gọi là cùng tử sống lang thang ở xứ người quên mất người cha trưởng giả, quên mất gốc, đó là điều thật đáng buồn.

Hiện nay, chúng ta học đạo là để được nhắc nhở, để biết được cái lầm của mình, phải tỉnh dậy và phải sống trở lại với tâm chứ không thể lang thang nữa. Trong Kinh Lăng Nghiêm có đoạn Phật dạy: “Chính các ông hiện nay đều có thức tinh nguyên minh”. Tức là cái thức nguyên vẹn sáng ngời, cũng chính là cái biết. Cái biết này mới mẻ, tinh khôi, chưa dính chưa xen lẫn cái gì hết. “Chính nó sanh ra các duyên nhưng bị các duyên bỏ sót. Do chúng sanh bỏ cái bổn minh (sáng suốt sẵn có) này, tuy trọng ngày tu hành mà chẳng tự giác, luống trôi vào các thú.”

Có những người tu hoài, tu suốt ngày mà không thể tự tỉnh giác, học cũng hay mà vẫn không giác ngộ, mãi lang thang và bị lôi dẫn theo các trần hoài. Đó là lỗi quên mình theo vật.

Ở đây, Phật dạy ai cũng có cái biết sáng suốt hay sanh ra các duyên, nhưng khi sanh các duyên thì nó lại bỏ sót chính nó. Chính chỗ bỏ sót đó mà phải lang thang hoài.

Trên lẽ thật mỗi người đều có cái biết nguyên vẹn sáng ngời, biết khắp tất cả, cái biết này hay sanh ra các duyên, chưa từng có lỗi lầm.

Vì nó biết khắp sanh ra các duyên, duyên này duyên kia cũng từ nó, nhưng khi nó biết duyên gì thì chỉ nhớ cái duyên đó thôi mà quên mất chính nó, vì bỏ sót nên đành phải lang thang mãi trong trần, sống viễn xứ quên mất quê hương chịu luân hồi trong các nẻo.

Quý vị kiểm lại xem hiện tại mình đang ở xứ người hay đang ở quê hương? Đang nghe cái gì quý vị có biết không? Mãi lo nghe tiếng rồi có bỏ sót chính mình không? Chính cái đó gọi là lang thang trong trần, chứ đúng ra khi nghe tiếng phải nhớ lại cái đang nghe rõ ràng để không bỏ sót nó, như vậy mới là cái nghe sáng suốt tinh khôi, có như vậy mới nghe được khắp hết.

Còn chúng ta khi nghe chỉ nhớ âm thanh mà quên mất cái đang nghe nên bị âm thanh che mờ, cũng vậy khi nhìn thấy vật gì thì chỉ nhớ vật đó mà không nhớ đến cái hay thấy, vì vậy mà chúng ta không thấy-nghe-biết rộng khắp.

Như nhìn thấy bình hoa thì chúng ta chỉ thấy biết bình hoa đỏ vàng, đẹp-xấu này mà không nhớ cái đang thấy-nghe-biết phân biệt, đó gọi là mất mình.

Ngày nay, muốn tu hành thì cần phải chuyển lại, tức là cũng thấy cũng biết tất cả, nhưng không cho quên chính nó, gọi là chuyển vật, được như vậy gọi là trôi chảy không bị ngưng trệ. Đó là cái gốc giải thoát, an vui. Song giải thoát không phải là lên cõi nào, khi nghe giải thoát tưởng đâu phải lên cõi nào đó để giải thoát. Không phải ở cõi nào mà là ngay ở đây. Cũng không phải ai giải thoát cho mình, mà tự mình giải thoát chính mình.

Tứ Tổ Đạo Tín khai thị ngài Pháp Dung: “Cảnh duyên nó không có tốt xấu, tốt xấu khởi ở nơi tâm. Nếu tâm chẳng theo danh, thì vọng tình từ đâu khởi, vọng tình chẳng khởi, thì chân tâm mặc tình biết khắp”.

Ở đây Ngài nói cảnh duyên không có tốt xấu, song tốt xấu khởi từ tâm, chính tâm khởi mới sanh chuyện. Nếu tâm mà chẳng theo danh, thì vọng tình không khởi, mặc tình chân tâm biết khắp. Thường chúng ta hay đổ lỗi cho cảnh duyên, nhưng mà Ngài nói rõ là cảnh duyên nó không có tốt xấu, tốt xấu do tâm khởi, nếu tâm không khởi thì mọi việc thái bình.

Nghĩa là thế giới vốn thanh bình, nhưng vì chúng ta gây xáo trộn rồi đổ thừa, rồi đi cầu giải thoát. Quý vị ngồi đây có ai không có chân tâm không? Có tâm thì phải có chân tâm, nếu không thì chúng ta không thể ngồi đây. Nếu biết có chân tâm nhưng mặc tình biết khắp được chưa? Nếu chưa thì tại sao? Bởi tại tâm này khởi theo danh, chạy theo cảnh.

Chúng ta cũng vậy, chỉ lo khởi theo danh theo cảnh, nhớ tên này, tên nọ, tên kia mà quên mất chính nó, thì làm sao mà biết khắp được!

Như thấy cái ly rồi chỉ nhớ cái ly, biết có cái ly này thôi thì làm sao biết khắp được. Còn nếu tâm trôi chảy đi qua hết, thấy cái ly biết cái ly, thấy bình hoa biết bình hoa… nhưng vẫn không quên, vẫn ở nguyên vị trí của nó, biết hết mọi vật chung quanh không bị che, không bị dừng lại chỗ nào hết, thì mới biết khắp tất cả được.

Chính chỗ đó là chỗ chúng ta cần khéo quan sát để nhận ra rồi tu từ trong tâm, tu đến chỗ không để cho tâm sanh trên cảnh là tu sâu. Như Thiền sư Duy Nghiễm dạy thầy Tri Viên trồng rau: “Trồng thì cho ông trồng nhưng đừng cho nó mọc rễ”. Tức cho ông làm tất cả nhưng không cho dính mắc. Chúng ta cũng vậy, tu hành cũng cho sinh hoạt, không bắt phải mãi ngồi yên một chỗ ở trong thiền đường, nhưng quan trọng là đừng cho nó mọc rễ. Mọc rễ tức là sanh tâm, theo duyên, bám cảnh, vậy là theo vật quên mình, là xa mất gốc, thì chân tâm làm sao biết khắp được.

Quý vị kiểm lại sẽ thấy tâm mọc rễ chỗ nào thì chỗ đó tối, nếu tâm không mọc rễ thì sáng. Như đang đi bách bộ tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, đi ngang qua góc vườn nào đó nghe bên trong có hai người nói chuyện lầm thầm lại có tên mình nữa, khi đó làm sao? Tai lắng nghe liền. Nếu vậy, chỗ đó hết trong sáng, là tối liền phải không? Nếu lỡ nói điều gì chạm đến mình, thì còn tối thêm, mọc rễ sâu nữa. Ngược lại, không dính mắc thì cứ thong thả đi tiếp, điều gì nghe cứ cho qua hết thì đâu có chuyện gì!

Tứ Tổ dạy rất có ý nghĩa: “Cảnh không có tốt xấu, không có chuyện gì, do sanh tâm trên đó thành chuyện”.

Như nhìn thấy hoa, nếu thấy hoa vẫn là hoa thì đâu có gì, do sanh phân biệt đẹp, xấu tức là mọc rễ trên cái hoa đó nên bị nó che, còn hoa vẫn nguyên vẹn là hoa thôi!

Nhiều người nghe các Thiền sư khai thị quá dễ dàng, như Mã Tổ nói: “Tức tâm tức Phật”. Không thêm gì hết, nhưng tại sao tu hoài mà vẫn không thấy “tức” ở đâu hết, lỗi tại chỗ nào?

Bởi chúng ta cứ quên mình theo vật, vừa thấy hay vừa nghe điều gì thì liền bám víu mọc rễ ngay, thì làm sao “tức” đây! Vậy phải làm sao để được tức tâm là Phật được? Lỗi ngay nơi mình, cứ đổ lỗi cho cảnh. Như cho cảnh ở đây quấy rối hoài khó tu nên đi kiếm chỗ khác, đến chỗ khác lại cũng gặp cảnh làm rối rồi kiếm chỗ khác nữa, cuốn gói đi tiếp. Đúng ra, chúng ta phải tự hỏi tại sao như vậy, sao người kia cũng ở cảnh đó mà họ tu được còn mình tu không được, khi thấy lại lỗi mình mới giải tỏa được.

Có lần, Ngài Huyền Sa đang ngồi chỉ một điểm trắng dưới nền gạch hỏi vị tăng: “Ông có thấy không?” Tăng thưa: “Dạ thấy”. Ngài gạn lại ba lần, vị tăng đều đáp là thấy. Ngài Huyền Sa liền bảo: “Ông cũng thấy, ta cũng thấy, tại sao nói chẳng lãnh hội?”

Cũng như mỗi người đều nhìn thấy bình hoa này, cũng đồng thấy như nhau mà tại sao người ngộ người không? Lỗi là thấy rồi chỉ nhớ cái đó, thành ra bị nó che.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Phật đưa tay lên hỏi Ngài A Nan thấy không, Ngài A Nan chỉ nhớ cái tay, khi có cái tay thì đáp “thấy”, không có tay đáp “không thấy”. Phật quở là điên đảo quên mình theo vật, vì chỉ nhớ cái tay nên có tay thì thấy, không có tay thì không thấy. Đúng ra nhớ lại ngay chính mình, thì cái thấy đâu phải ở cái tay, có cái tay thì thấy cái tay, không có cái tay thì thấy tường vách, chứ đâu phải không thấy, nên Ngài A-nan bị Phật quở là điên đảo quên mình theo vật.

Chữ điên đảo là rất hay, rất có ý nghĩa. Điên đảo tức là thấy lộn ngược, lấy cái giả làm cái thật, lấy ngọn làm gốc, lộn ngược lộn xộn. Nếu kiểm lại thì có hàng tỷ người trên thế gian này đang thấy theo kiểu gì, hay cũng đang thấy theo kiểu lộn ngược đó. Quý vị ngồi đây thấy theo kiểu gì, kiểm lại xem trong đây có ai vượt ra cái thấy điên đảo này không, nếu có thì hay lắm!

Khi Lục Tổ nghe hai vị Tăng cãi nhau về gió động hay phướn động, Ngài bảo: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà tâm của nhân giả động”. Đó là Tổ đánh thức hai vị, mà cũng đánh thức cho mọi người tỉnh lại, chớ chạy theo gió, theo phướn mà lăng xăng cãi hoài. Hiện tại, chúng ta cũng thường chạy theo cảnh duyên rồi lo cãi quên mất gốc, còn cái quan trọng đang biết động thì lại bỏ quên.

Cho nên, người khéo tu phải thấy trở lại gốc, cũng là để cởi mở bớt những tình mê của mình. Vậy quý vị xét thấy tu tâm có dễ không? Phải thấy được vấn đề, nếu không, nhiều khi bắt chước nói mà không thấy được ý nghĩa sâu.

Tóm lại, ý nghĩa của việc tu tâm rất trọng yếu, sâu xa chứ không phải thường, không chỉ hiểu suông trên văn tự mà đủ, bởi vì nó là cái gốc. Cho nên, mình cần phải quán cho kỹ, quán cho sâu để rồi ứng dụng tu hành, đây là con đường chân chánh vượt khỏi khổ đau, mê lầm trong kiếp luân hồi, đâu phải tầm thường. Như vậy, phải thường phản quan, tâm là gốc ở nơi mình chứ không phải ở bên ngoài, thường tự soi xét lại mình, đây là điểm then chốt không thể quên, cứ lo soi ra ngoài thì không biết tâm ở đâu mà tu.

Chỉ cần khéo chuyển tâm thì cảnh cũng chuyển, rồi tối tăm phiền não cũng chuyển theo, và những cái khác cũng sẽ thay đổi.

Có câu chuyện về bà già hay khóc. Bà có hai cô con gái, cô thì bán dù, cô thì bán quạt. Mỗi khi trời mưa thì bà nghĩ đến cô bán quạt ế vì không ai mua quạt, rồi bà khóc. Trời nắng thì bà nghĩ đến cô bán dù, chắc ít ai mua dù, bà cũng khóc. Hôm nọ, bà đến gặp thiền sư, Ngài dạy: “Chuyện đó đơn giản có gì mà bà khóc. Bây giờ bà chuyển lại khi trời nắng thì bà nghĩ đến cô bán quạt, hẳn cô bán được nhiều, bán đắt bà vui, cười liền. Khi trời mưa bà nghĩ đến cô bán dù chắc được nhiều người mua thì bà vui liền”. Nghe thấy có lý, bà liền làm theo lời thiền sư dạy nên suốt ngày bà cười hoài, thành bà già hay cười, hồi xưa là bà già hay khóc.

Vậy chỉ cần chuyển tâm một chút thì mọi sự nó chuyển theo. Cuộc sống cũng vậy, nhiều khi chỉ cần chuyển một cái nhìn là cuộc đời chuyển theo, chuyển tâm quan trọng như vậy đó.

Để kết thúc xin kể về một cô tiểu thư trẻ tuổi đứng bên bờ sông, mặt mày ủ dột, buồn bã, đầy thất vọng, thình lình cô nhảy ùm xuống sông, nước bắn tung tóe. Lúc đó, có lão Hòa Thượng vừa đi tới, thấy vậy ngài vội vàng kêu người đến cứu. Không ngờ, khi được cứu sống cô còn trách trở lại ngài nữa: “Sao thầy không để tôi chết cho rồi, cứu làm gì? Tôi thấy ghét thầy quá!”

Hòa Thượng hỏi: “Vì sao cô lại muốn tự tử?”

Đáp: “Vì tôi quá xấu, bị mọi người phê bình, chế nhạo, lại còn không ưa tôi. Nên tôi thấy sống không chút thú vị, chẳng bằng chết cho xong.”

Vị Hòa Thượng nói: “Con người ta có hai mạng sống, một là của riêng mình, mọi việc chỉ nghĩ đến mình, vì mình mà lo toan, song cái sinh mạng ích kỷ đó vừa mới tự tử nên nó đã chết rồi. Ngoài ra, người ta lại còn có sinh mạng thứ hai, sinh mạng này chuyên lo cho người khác. Hiện tại, cô đã được cứu và sống lại rồi, từ nay cô hãy chuyển hóa tư tưởng, sửa đổi hành vi của mình tùy nơi, tùy lúc giúp đỡ cho người, phục vụ cho người khác”.

Cô gái này nghe xong tỉnh ngộ, từ đó cô làm việc thiện, hằng ngày lo phục vụ mọi người, dần dần tiếng tốt về cô truyền đi rộng rãi khắp cả xóm làng, mọi người cho rằng cô là người có hạnh thiện, hạnh lành, ai cũng khen ngợi. Rồi tâm tình của cô do đó cũng cởi mở ngày càng vui vẻ nên càng ngày cô càng đẹp ra.

Quý vị thấy, chỉ cần chuyển tâm thì thay đổi cả cuộc đời, mới thấy tu tâm là điều hết sức quan trọng, chứ không phải là trên chữ nghĩa suông. Vì vậy, chúng ta học để nắm vững rồi ứng dụng vào cuộc sống. Mong rằng, mỗi người chúng ta thực sự hiểu rõ được ý nghĩa tu tâm, để thực tu thực làm, không phải chỉ “tu trên chữ tâm”, nếu tu như vậy, thì đó là tu gì rồi? Mỗi người khéo tự biết!

Nguồn: thientruclam.info
Về Đầu Trang Go down
https://timviet.forumvi.com
 
TU TÂM - TT. Thích Thông Phương
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
TIM VIỆT FORUM :: Trau Dồi Văn Chương/Literature :: Thư Viện Truyện - Tim Viet Library :: Kinh Sách của Các Tôn Giáo-
Chuyển đến