Admin Admin
Tổng số bài gửi : 3155 Đến từ : Rain City Registration date : 10/06/2008
| Tiêu đề: 127 mảnh đời côi cút trong ngôi chùa hẻo lánh Wed Aug 03, 2011 1:27 pm | |
| Bị bỏ rơi trước cửa chùa từ lúc còn đỏ hỏn, được các ni sư nhặt về nuôi rồi đặt tên là Hươu và Nai, hai cậu bé sinh đôi hễ thấy có bóng người đến thăm lại háo hức đến níu tay, ôm cổ, tíu tít hỏi chuyện rồi phá lên cười khúc khích.
"Đặt tên xấu xấu cho dễ nuôi. Hai đứa ngoan lắm, tội nghiệp, mới sinh đã bị mẹ bỏ ở cửa chùa. Mấy sư thấy vậy thương nên mang về nuôi", Sư cô Huệ Đức, Trụ trì chùa Diệu Pháp (Huyện Long Thành, Đồng Nai) giải thích về hai cái tên "lạ" mà các ni sư đã đặt cho mấy đứa trẻ.
Hươu và Nai là hai trong số 127 mảnh đời đáng thương đang trú ngụ tại ngôi chùa vùng quê nghèo hẻo lánh này. Đến sống tại đây, mỗi số phận là một cảnh ngộ khác nhau, có người bị bệnh tâm thần sống lang thang, có người bị bại liệt bẩm sinh, khuyết tật, mồ côi hoặc hoàn cảnh túng quẫn... Họ được các tăng ni Phật tử đem về nuôi dưỡng, chăm sóc và tạo điều kiện cho đi học, tìm việc làm rồi lấy chồng, lấy vợ.
Tọa lạc tại ấp Tân Cang, xã Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai, chùa Diệu Pháp nằm lọt thỏm giữa khu rừng bạt ngàn. Sư cô Huệ Đức, trụ trì chùa đồng thời là người trực tiếp chăm sóc những mảnh đời bất hạnh ở đây cho biết, cô về tiếp quản chùa từ năm 1983. Gần 30 năm về trước, đất này chỉ là một vùng đồi núi hoang vu hẻo lánh, cây cối um tùm, đất đai khô cằn.
Vẫn nhớ như in cái lần đầu tiên sau 2 tháng về tiếp quản chùa, lúc đi làm vườn, sư cô nhìn thấy có một em bé sơ sinh còn bọc nguyên tã được đặt ở trước cửa chùa. Ban đầu các sư ngạc nhiên, nhưng sau đó hiểu được tình cảnh nên mọi người vội bồng em bé này vào chùa thay đồ, tắm rửa rồi cho uống sữa.
Và đến nay, dưới bàn tay chăm sóc của các sư mẫu, cô bé bị bỏ rơi ngày nào giờ đã trưởng thành và có gia đình riêng, lâu lâu chị lại về thăm chùa để giúp các sư phụ chăm lo cho đàn em cùng cảnh ngộ.
Một buổi sáng khác, như thường lệ hàng ngày các ni sư thức dậy lúc 3h sáng để tụng kinh niệm Phật thì nghe tiếng chó sủa dữ dội. "Hồi đó chưa có điện nên các sư đốt đuốc ra xem thì thấy có em bé chắc mới sanh được vài ngày còn quấn tã đang khóc. Thế là mọi người vội ẵm vào nhà", cô Huệ Đức kể.
Rồi cậu bé ấy được gọi luôn cái tên cúng cơm là "Chó", vì theo lý giải của sư cô đặt tên xấu cho dễ nuôi và cũng là để kỷ niệm lần ấy nhờ có tiếng chó sủa mà các sư mới phát hiện ra cháu bé.
Rồi cứ như thế đã gần 30 năm trôi qua, danh sách những "Lượm, Hươu, Nai, Chó, Trâu..." lần lượt nối tiếp nhau ra đời. Mỗi cái tên như thế đều gắn với một kỷ niệm hoàn cảnh mà các em được nhận vào chùa này.
Những cụ già đang nương thân nơi cửa từ bi. Ảnh: Thi Ngoan
Cuộc sống người xuất gia tu trì vốn khó khăn, nay lại cưu mang thêm những sinh linh bé nhỏ khiến cuộc sống của các sư cô chùa Diệu Pháp đã thiếu thốn càng khốn đốn hơn. "Mình đi tu ăn chay đã đành, các em nhỏ ăn như mình sẽ không đủ chất dinh dưỡng. Nghĩ thế nên nên phải tính toán làm sao xoay sở để bữa cơm của bọn trẻ phải có thịt cá đầy đủ", sư cô Trụ trì trăn trở.
Và thế là để có tiền nuôi nấng bọn trẻ, 6 ni sư phải tăng cường ngày đêm lao động vất vả hơn gấp nhiều lần. Mảnh đất rộng 3 ha của chùa được tận dụng trồng lúa, cao su, rau củ... để tự cung tự cấp về lương thực. Bên cạnh đó, các cô còn nhận may tu phục để bán lấy tiền mua thịt, cá cho các con ăn.
"Nhân bất học bất tri lý", tâm niệm như thế nên các sư cô chùa Diệu Pháp còn tạo mọi điều kiện khuyến khích các con đi học và theo đuổi con đường tri thức đến cùng. Cô Huệ Đức cho biết, bắt đầu lên 4 tuổi, các em nhỏ được đi học mẫu giáo rồi cứ thế lên tiểu học, trung học, đại học. "Sức học của các em đến đâu thì mình cố gắng lo đến đó", cô bảo.
Bản thân các em sống ở chùa cũng ý thức được hoàn cảnh của mình khó khăn và chỉ có con đường học để tiến thân nên chúng cũng ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Ngoài những buổi lên lớp thì các em ở nhà phụ việc ở chùa hoặc ra rẫy cạo mủ cao su, làm cỏ, hái rau...
Cảm kích trước tấm lòng của các sư cô cưu mang những mảnh đời khốn khó nên nhiều người hảo tâm ở khắp nơi cũng đến thăm, giúp đỡ, cho tiền, quà, quần áo...để chung tay với chùa tiếp tục chăm lo cho những con người bất hạnh. Và hiện nay chùa Diệu Pháp đã được chính quyền tỉnh Đồng Nai công nhận và cấp phép hoạt động dưới sự quản lý của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Sư cô Huệ Đức cùng hai cử nhân vừa tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế là Hồ Thị Hiền (mặc đồ màu xanh) và Hà Thị Hạnh được bà cưu mang từ khi còn nhỏ. Ảnh: Thi Ngoan
Dưới bàn tay yêu thương của các tăng ni, Phật tử, đến nay sau gần 30 năm, từ "chiếu nôi" chùa Diệu Pháp này, hơn 500 mảnh đời bất hạnh nên người và có cuộc sống ổn định. Trong số đó, 48 anh chị tốt nghiệp đại học và đi làm, một anh đang học tiến sĩ ở Nhật và một chị vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngoại ngữ, 46 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở khắp mọi miền tổ quốc. Thỉnh thoảng vào những ngày cuối tuần hoặc lễ tết, họ lại về thăm chùa và tiếp tục giúp đỡ các ni sư cưu mang những mảnh đời đồng cảnh ngộ.
An lòng khi nhìn những "hạt giống" mình trồng bây giờ đã bắt đầu sinh hoa kết trái, Sư cô Huệ Đức cười bảo: "Nhớ hồi đầu các cô thấy khó khăn lắm, sợ không làm được vì mình đi tu chỉ quen tụng kinh niệm Phật chứ đâu biết công việc chăm sóc trẻ. Nhưng trông thấy hoàn cảnh các cháu đã bị bỏ rơi rồi giờ mà mình không giang tay đón nhận và giáo dục thì các cháu sẽ bơ vơ. Mình cho các cháu ăn học để khi ra ngoài xã hội, chúng sẽ không bị vấp ngã như bố mẹ nữa...".Địa chỉ Chùa Diệu Pháp: ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, Đồng Nai. Hòm thư 11, Bưu điện Hố Nai 3 - TRảng Bom - Đồng Nai. Điện thoại: 0613.967.944, 0909.667.300 Thi Ngoan VNEXPRESS 31/07/2011 | |
|