TIM VIỆT FORUM
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


 
Trang ChínhPortalGalleryLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» Những Vùng Tối
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptyFri Sep 20, 2019 3:02 am by Tuyet Bang

» Vì sao đại bàng đầu trắng là loài vật biểu trưng của Mỹ?
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptyTue Sep 25, 2018 11:57 am by Admin

» Hoa Bỉ Ngạn
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptyTue Sep 25, 2018 11:53 am by Admin

» “Bỏ túi” 8 cách phân biệt mật ong cực đơn giản
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptyTue Sep 25, 2018 11:48 am by Admin

» Bò Kho
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptyMon Sep 24, 2018 3:43 pm by Admin

» NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySun Sep 23, 2018 12:19 am by Admin

» BÀI PHÁP VỀ BỐN LOẠI NGỰA
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySun Sep 23, 2018 12:18 am by Admin

» KHÉO GIỮ SÁU CĂN
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySun Sep 23, 2018 12:17 am by Admin

» NGUỒN GỐC CỦA ĐAU KHỔ
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySun Sep 23, 2018 12:17 am by Admin

» TÌNH VÀ NGHĨA TRONG CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySun Sep 23, 2018 12:02 am by Admin

» CUỘC SỐNG KHÔNG CẦN OÁN TRÁCH, TẤT CẢ ĐỀU CÓ AN BÀI
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:57 pm by Admin

» Lỡ Phá Thai Hãy Gấp Tụng Kinh Địa Tạng 49 Lần Để Giúp Trẻ Sớm Siêu Thoát
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:55 pm by Admin

» NHÂN CHẲNG SINH DIỆT, QUẢ CHẲNG SINH DIỆT
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:54 pm by Admin

» TẠI SAO TỪ BI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI NHẪN NHỤC?
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:53 pm by Admin

» TRONG SINH DIỆT, RÕ CHẲNG SINH DIỆT
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:52 pm by Admin

» HIẾU HẠNH
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:51 pm by Admin

» Vạn vật vì duyên hòa hợp mà sinh, cũng vì duyên mà diệt
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptySat Sep 22, 2018 11:50 pm by Admin


 

 Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 3155
Đến từ : Rain City
Registration date : 10/06/2008

Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  Empty
Bài gửiTiêu đề: Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC    Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  EmptyTue Dec 27, 2011 4:17 pm

Hầu như rộng khắp trên thế giới, khoảng đầu tháng 12 dương lịch mọi người lại gởi cho nhau và nhận được của nhau những cánh thiệp mừng Giáng Sinh mỹ miều. Phong tục này bắt đầu cách nay đúng 168 năm.


Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  Hp-110
Cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của loài người


Cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của loài người ra đời tại nước Anh năm 1843, do sáng kiến của Henry Cole (1808-1882). Năm 1875 ông được Nữ Hoàng Victoria phong tước Hiệp Sĩ (Knight), từ đó mọi người gọi ông là Sir Henry Cole.

Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC  Hp-210

Năm 1843, khi cho in thiệp Giáng Sinh, Sir Henry Cole đặt họa sĩ John Calcott Horsley (1817-1903) vẽ tranh trang trí cho thiệp gồm ba phần:

Ở bên trái vẽ người nghèo đói được cho cơm ăn.

Ở bên phải vẽ người rách rưới được tặng áo.

Hai hình ảnh vị tha này nhắc nhở mọi người nhớ đến đức ái hay đức mến (charity) của Công Giáo, nhớ đến tinh thần nhân bản (humanism) mà Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy biết thực hành. Chúa dạy:

“Ta bảo thật các ngươi: bất kỳ việc gì các ngươi đã làm cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Matthêu 25:40)

Phần trọng tâm (ở giữa thiệp, lớn hơn hai bên) vẽ cảnh gia đình sum họp, quây quần ăn tiệc, có đủ người lớn, trẻ con và các cụ. Vẽ cảnh sum họp gia đình như vậy, có lẽ họa sĩ muốn nhắc chúng ta nhớ rằng Giáng Sinh là dịp đoàn tụ, là cơ hội san sẻ tình thương với những người thân yêu.

Sau cùng, để nối kết hai hình vẽ cho cơm ở bên trái và tặng áo ở bên phải với hình ảnh bữa cơm đoàn viên ở giữa, họa sĩ vẽ những cây nho, cành nho có lá và trái kết thành ba khung tranh viền bên ngoài ba hình vẽ ấy.

*

Ba thông điệp từ cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của loài người


Những hình ảnh minh họa trên cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của nhân loại không đơn giản chỉ là đường nét và màu sắc giúp chúng ta vui mắt. Thật ra, họa sĩ đã mượn tranh vẽ để nhắn gởi chúng ta ba ý đạo sâu xa nhân mùa Giáng Sinh.

Nói khác đi, có thể bảo rằng cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của loài người hàm chứa ba thông điệp (messages) có giá trị muôn đời và giá trị muôn phương. Thế nên, trong câu chuyện nhỏ để kính mừng đại lễ Giáng Sinh hôm nay chúng ta hãy cùng nhau thử suy gẫm về ba thông điệp ấy.

* Thông điệp thứ nhất

Hình ảnh đem cơm áo tặng người nghèo đói lạnh là một thông điệp nhắc chúng ta nhớ rằng hạnh phúc là được cho đi, bởi vì ai cho đi thì sẽ nhận lại được. Thánh Luca (6:38) chép lời Chúa dạy:

“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.”

Là người phàm, phần đông chúng ta lắm khi tay này cho đi mà tay kia muốn giữ lại bởi vì trong bụng đang âm thầm so đo, tính toán. Có lẽ vì vậy mà Chúa khuyên chúng ta “khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Matthêu 6:3).

Chúng ta là người phàm, lòng trần tục thường hay mong muốn hễ bánh sáp cho đi phải có bánh quy đáp lễ. Thế nên Chúa từ bi an ủi cho chúng ta được yên lòng mỗi khi đem cho đi, khỏi sợ là không được cho lại, không được bù đắp tương xứng. Chúa dạy:

“Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Luca 6:38)

Cái đấu mà Thiên Chúa đong lại cho chúng ta rất đặc biệt. Nó không lưng vơi, nó không xôm xổm, cũng không bị thanh gỗ gạt qua cho ngang bằng sát miệng theo kiểu thiên hạ ngoài chợ mua lúa bán gạo vẫn hay làm như thế.

Cái đấu mà Chúa đong lại cho chúng ta được Phúc Âm theo Thánh Luca (6:38) chép rõ như sau:

“Thiên Chúa sẽ đong cho anh em bằng đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.”

Trong Sách Công Vụ Tông Đồ, Thánh Phaolô nhắc nhở:

“Phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: Cho đi thì có phúc hơn là được nhận.” (20:35)

Những dòng Kinh Thánh chúng ta vừa ôn lại chính là triết lý sống theo con đường nhân bản mà Đức Giêsu đã mở ra cho loài người từ hai thiên niên kỷ trước.

Qua tới đầu thiên niên kỷ thứ ba này, triết lý sống nhân bản của Chúa càng thêm tỏ rạng một giá trị cứu thế thực tiễn cho toàn cầu thời đại, trước nạn bùng nổ dân số và thiếu lương thực, thiếu nước sạch đang đe dọa hành tinh chúng ta.

Thật vậy, ngày 31-10-2011, Liên Hiệp Quốc chính thức báo động dân số thế giới hiện nay đã lên tới 7 tỷ người. Mà 7 tỷ người thì đông cỡ nào? Có ba cách để dễ hình dung cụ thể:

- Nếu đặt người này đứng lên vai người kia, thì 7 tỷ người đó sẽ tạo thành một cái tháp cao gấp 30 lần khoảng cách trung bình từ trái đất lên cung trăng (384.400km), tức là cao khoảng 11 triệu 532 ngàn cây số!

- Nếu 7 tỷ người đó nằm nối liền nhau, đầu người này chạm chân người kia, thì tất cả tạo thành một “sợi dây” có thể “quấn” quanh đường xích đạo (trung bình 40.000km) tới 288 ngàn vòng!

- Nếu ai trong chúng ta muốn tiếp xúc với 7 tỷ người này, dù chỉ gặp mỗi người 1 giây phù du thôi, thì chúng ta phải mất hết 220 năm mới gặp đủ mặt!

Dân số thế giới hiện nay là 7 tỷ người, nhưng Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng bốn phần năm (80%) tài sản của thế giới lại nằm trong tay một thiểu số chỉ chiếm một phần tư (25%) dân số toàn cầu.

Trước sự bất công này, ông Ban Ki Moon, Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc, than rằng cứ mỗi tối lại có 1 tỷ người đi ngủ phải ôm cái bụng lép kẹp vì đói meo.([1])

Hình ảnh ảm đạm đó một lần nữa xác định rằng triết lý nhân bản tìm hạnh phúc bằng đức ái thể hiện qua hành vi biết đem cho, biết giúp đỡ người khác (như Chúa dạy chúng ta) rất nên là phương châm hành xử của nhân loại trong hiện trạng bùng nổ dân số và nạn đói đe dọa trái đất ở thiên niên kỷ thứ ba này.

Nhưng, nghe Chúa dạy rằng hạnh phúc là được cho đi thì chúng ta hay sợ. Sợ rằng cho nhiều quá thì mình phải thiếu thốn. Thế nên chúng ta quen làm ngược lại là tìm mọi cách bo bo ôm giữ, thâu tóm cho chính mình.

Bởi vậy, Đức Cao Đài khuyên chúng ta, hứa với chúng ta:

Của con Thầy để thiếu chi đây
Hễ đứa nào ngoan cứ lấy xài…([2])

Ngoan là sao? Ngoan không có nghĩa là phụng sự Thượng Đế, bởi vì các Tiền Bối mở đạo Cao Đài nhắn nhủ:

“Thượng Đế không kêu gọi con người phụng sự cho Thượng Đế, mà con người hãy cải tạo để xây dựng thiên đàng cho con người và thế giới ở trên đời.” ([3])

Đức Cao Đài ban lời huấn dụ:

“Giờ nầy, Thầy không muốn cho cả thế gian ca ngợi Thầy, hoặc xưng tụng Thầy một cách ảo huyền, mà mong sao tất cả con cái của Thầy đã nhập vào trường Đạo, đều lập trọn công tu, đầy lòng từ bi, bác ái, công bình.” ([4])

“Thầy không đòi hỏi các con phải làm những gì đem lại riêng tư cho Thầy. Thầy luôn luôn dạy các con phải thực hành đạo lý cho các con cái của Thầy, nghĩa là phải giác ngộ cho nhau, thương yêu dạy dỗ, đùm bọc cho nhau, bảo tồn cho nhau để cùng nhau được sống trong cảnh thái hòa, cùng hưởng hạnh phúc với nhau mãi mãi…” ([5])

Lời dạy trong thánh giáo Cao Đài đâu có khác lời thần chú trong Kinh Lăng Nghiêm: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân.” ([6]) Nghĩa là: đem hết tấm lòng ra phụng sự cõi trần, như thế ắt được gọi là báo ân Phật.

Tóm lại, hình ảnh đem cơm áo tặng người nghèo đói lạnh là thông điệp thứ nhất nhắc chúng ta nhớ rằng thế gian sẽ được sống hạnh phúc nếu mọi người đều biết cho đi, biết giúp đỡ người khác.

* Thông điệp thứ hai

Tranh ở giữa vẽ cảnh gia đình sum họp bên bàn ăn. Có lẽ trong ẩn ý sâu xa, họa sĩ còn muốn nhắc mọi người nhớ rằng dù cho ai suốt cả năm có phải bôn ba bươn chải, có phải vất vả long đong đến thế nào chăng nữa, thì Giáng Sinh cũng là dịp để quay về với mái gia đình thiêng liêng của mình.

Vâng, mỗi người đều có một mái nhà thiêng liêng. Nơi ấy Chúa là đấng Cha lành nhân từ phúc hậu đang ngày đêm mong ngóng những đứa con hoang đàng biết hồi tâm, biết thức tỉnh mà dừng bước giang hồ phiêu bạt, bỏ kiếp bụi đời để sớm trở về với Chúa. Chúa lòng lành sẽ tha thứ hết tất cả lỗi lầm của con cái miễn là đám con cái biết thật tâm cải tà quy chánh.

Hình ảnh bữa tiệc trên cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của nhân loại cách nay 168 năm (1843-2011) còn giúp chúng ta liên tưởng tới bữa tiệc đoàn viên được chép trong Tân Ước.

Thật vậy, Phúc Âm theo Thánh Luca (15:11-32) chép một dụ ngôn của Chúa về người cha nhân hậu. Cậu con thứ xin cha chia gia tài rồi mang đi phung phí, phá tán ở phương xa. Hậu quả anh phải đi chăn heo thuê, đói khổ. Sau cùng, anh quay về quê xin làm công cho cha. Vừa thấy con từ xa, cha vội chạy tới ôm chầm, và hôn lấy hôn để. Ông bảo người nhà đem áo đẹp nhất ra mặc cho anh, đeo nhẫn vàng, mang dép tốt cho anh, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Từ ngoài đồng trở về, cậu con cả thấy cảnh ấy thì bất bình. Người cha nhân hậu bèn khuyên giải: “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống; đã mất, nay lại tìm thấy.”

Đứa con đi hoang trở về được chép trong Phúc Âm mà chúng ta vừa ôn lại cũng không khác dụ ngôn về đứa con bụi đời của ông nhà giàu mà Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Hoa, gọi hắn là “gã cùng tử”.

Người cha hiền rất giàu có trong Kinh Pháp Hoa và Kinh Thánh là Phật, là Chúa.

Đứa con bụi đời, đứa con đi hoang hay gã cùng tử chính là chúng ta.

Ông nhà giàu nhận lại con, tha thứ mọi lỗi lầm của đứa con khờ dại, tức là Phật và Chúa luôn luôn từ bi hỷ xả trước tội lỗi chúng ta, miễn là chúng ta biết thật lòng hối lỗi, thực sự cải tà quy chánh.

Chúng ta còn nhớ, khi Thánh Luca chép dụ ngôn đứa con đi hoang trở về, có nhắc rõ từng lời người cha: em con đây đã chết, nay lại sống.

Nghĩa là, ai mà quay lưng với Phật Trời, quay lưng với Chúa, người đó coi như đã chết. Nhưng, khi họ hối cải trở lại với Chúa, trở lại với Phật Trời, biết sống đạo lý, thì họ được phục sinh, được sống lại.

Đức Cao Đài dạy:

“Các con ơi! Nếu thế gian này là cõi toàn thiện thì Thầy không đến đây mở Đạo làm gì.” ([7])

“Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi đâu đến nhọc công Thầy.” ([8])

Đức Chí Tôn nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta vốn không toàn vẹn, dễ sa ngã và lầm lỗi; chính vì vậy mà luôn luôn có các giáo chủ nối tiếp nhau ra đời lập thành các nền chánh giáo để cứu độ những tâm hồn mỏng giòn giữa cõi ta bà. Khi mở đạo Cao Đài, một trong những Thiên khải đầu tiên mà Đức Chí Tôn rao truyền cho chúng sanh hay biết, đó là Thượng Đế đã ban bố luật đại ân xá kỳ Ba.

Chúng ta hãy tin vào đức từ bi ân xá của các Đấng, bởi lẽ trong Sách Công Vụ Tông Đồ (3:19), Thánh Phêrô khuyên:

“Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em.”

Tương tự như thế, Thư 1 của Thánh Gioan (1:9) khẳng định:

“Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.”

Tóm lại, thông điệp thứ hai xác minh rằng chúng ta sẽ luôn luôn được tha thứ nếu như chúng ta biết thành tâm hối cải, và như thế hạnh phúc của chúng ta là được sống lại nhờ có các Đấng Thiêng Liêng ban ơn cứu độ, miễn sao chúng ta xứng đáng để được ân xá.

* Thông điệp thứ ba

Để nối kết hai hình vẽ cho cơm ở bên trái và cho áo ở bên phải với hình ảnh bữa cơm đoàn viên ở giữa cánh thiệp Giáng Sinh, họa sĩ vẽ những cây nho, cành nho có lá và trái kết thành khung tranh.

Chớ nên nghĩ đơn giản rằng những cây nho, cành nho này chỉ để trang trí cho vui mắt.

Không đâu, đây là một thông điệp thứ ba gởi đến chúng ta. Cây nho là Chúa, cành nho là chúng ta. Chúa dạy:

“Thầy là cây nho, anh em là cành nho.” (Gioan 15:5)

Những cành nho mọc lá tươi tốt và trổ ra những trái no tròn mọng nước, là nhờ cành nho vẫn gắn liền với cây nho để được dưỡng nuôi liên tục; bằng không, cành nho sẽ khô héo, ắt sẽ bị loại bỏ.

Hình ảnh này nhắc chúng ta phải gắn mình với Chúa để được trường cửu, vững bền.

Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, Chúa dạy (Gioan 15:4-5):

“Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành nho. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.”

Ngày nay, trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Cao Đài kêu gọi chúng ta thức tỉnh, đừng bỏ Thầy, đừng xa rời Thầy nữa. Đức Chí Tôn tha thiết khuyên chúng ta đừng mê muội mà tiếp tục làm chiếc lá lìa cành. Thầy dạy:

“Các con ôi! Thế giới nhân loại hiện giờ xa Thầy, đã tách rời nguồn cội mà không hề trở lại. Tách rời nguồn cội thì cành rơi lá đổ, không còn nhựa thì làm sao mà sống? Dù là cành cây có to đến đâu, có nhiều hoa nhiều lá, đơm bông kết nụ bao nhiêu đi nữa mà nhựa sống không còn thì một lúc nào đó sẽ khô khan úa xào.” ([9])

Trong Thư 2 Gởi Tín Hữu Côrintô (5:17), Thánh Phaolô viết:

“Cho nên, phàm ai ở trong Ðức Kitô đều được tạo nên mới (a new creation). Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.”

Tóm lại, thông điệp thứ ba là chúng ta hãy đổi mới chính mình, bằng cách luôn luôn gắn liền với Phật, với Chúa, với Trời, với Đấng Thiêng Liêng cao cả mà chúng ta tin tưởng, thờ phụng.

*

Con đường hạnh phúc

Sau khi trao đổi về ba thông điệp hàm ngụ trong cánh thiệp Giáng Sinh đầu tiên của nhân loại, giờ đây chúng ta hãy trở lại với lời chúc tụng in trên đó.

Bên dưới cảnh gia đình tiệc tùng sum họp vẽ trên thiệp là câu “A Merry Christmas and a Happy New Year to You” (Chúc bạn một Giáng Sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc).

Trên thế giới, câu chúc tụng này được dịch ra nhiều ngôn ngữ các nước.([10]) Nó cũng quá quen thuộc với chúng ta. Quá quen thuộc đến nỗi, mỗi khi nhận thiệp Giáng Sinh, phần đông chúng ta đều liếc nhìn một cái rồi thôi, hầu như không thấy những chữ này gieo vào tâm tưởng của mình một ấn tượng gì cả!

Nhưng có dịp ngẫm nghĩ cho kỹ, chúng ta thấy rằng sở dĩ có câu chúc tụng như thế, là vì mọi người, mọi thời đại luôn luôn ước mơ được hưởng hạnh phúc. Kết hợp mừng Giáng Sinh với đón năm mới, chúng ta đều chúc nhau được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Làm sao để hưởng hạnh phúc? Nào có mấy ai chịu để tâm và dành chút thời gian mà gẫm suy cho thấu đáo? Thành thử, hai chữ hạnh phúc trên cửa miệng phần đông chúng ta dễ dàng trở thành lời nói hoa mỹ, công thức, rỗng tuếch!

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc chân thật ở đâu?

Tùy quan niệm sống mà mỗi người có một cách hiểu khác nhau về hạnh phúc. Do đó ai ai cũng có một cách thức khác nhau để mưu cầu hạnh phúc.

Đối với những nhà buôn say mê làm giàu thì của cải tích lũy được gia tăng không ngừng là hạnh phúc. Do đó, họ đầu tắt mặt tối lo kinh doanh, lao tâm khổ trí tìm mọi cách sinh lợi nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Nhưng với Chúa thì hạnh phúc đó là hạnh phúc không bền vững, tức chưa phải chân hạnh phúc. Bởi thế, Chúa dạy chúng ta (Matthêu 6:19):

“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi.”

Sự đầu tư khôn ngoan và bền vững nhất, theo Chúa là hãy đầu tư vào ngân hàng thượng giới:

“Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.” (Matthêu 6:20)

Với người có đức tin, thì hạnh phúc chân thật là những gì chúng ta được đón nhận từ các Đấng Thiêng Liêng ban xuống, chan rưới cho chúng ta. Bởi vậy, trong Thư của Thánh Giacôbê (1:17), Ngài khuyên chúng ta nhớ:

“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Ðấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng.”

Chúng ta vốn dĩ là những tạo vật mỏng giòn giữa cõi trần ai bể dâu bất trắc. Đời ai cũng có lúc phải thăng trầm điêu đứng. Phật bảo thế gian là biển khổ dồn dập muôn ngàn lượn sóng. Kiếp sống chúng ta lắm lúc chông chênh như chiếc thuyền nan bé tẻo tèo teo nổi trôi, phiêu dạt giữa biển đời bão tố. Thế nhưng, Kinh Hộ Mạng trong đạo Cao Đài nhắn nhủ:

Cam lòng với cảnh thuyền xê
Có Thầy con trẻ ủ ê chi mà.

Chúa Giêsu cũng khuyên như thế:
“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Gioan 14:1)

Sống như thế nào để được hạnh phúc?

* Muốn được hạnh phúc, hãy tuân giữ giới răn và luật lệ

Con người luôn luôn được thử thách đức tin bằng chước cám dỗ. Hễ đức tin mạnh thì cám dỗ yếu, và ngược lại. Thế nên, Kinh Sám Hối của đạo Cao Đài dạy:

Biết chước quỷ đánh lừa phá hoại
Yếu đức tin nên phải lụy mình...

Lụy mình nghĩa là vướng vào tội lỗi do yếu đuối, không vượt qua được thử thách, bị thua cám dỗ. Khi đó, nếu tội lỗi nặng nề thì bị luật pháp thế gian trừng phạt, xã hội chê cười, chưa nói tới luật trời đất xử phạt công bình sau khi ta trút linh hồn.

Còn nếu lỗi lầm nhẹ hơn thì cõi lòng ta day dứt phiền não, hổ thẹn ăn năn… Đó là vì lương tâm đang phán xét chúng ta. Đức Chí Tôn dạy:

“Lương tâm của các con là một khiếu thiêng liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức.” ([11])

Chính những lúc bị tòa án lương tâm xét xử như vậy, thậm chí đến giờ vào cúng tứ thời, đến giờ ngồi thiền, khi quỳ lạy trước bàn thờ chúng ta cũng không thư thái. Đêm Giáng Sinh 1926, Đức Chí Tôn khuyên:

“Phải thường hỏi lấy mình khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa mà lương tâm có điều chi cắn rứt chăng? Nếu phận sự còn nét chưa rồi, lương tâm chưa đặng yên tịnh thì phải biết cải quá [sửa lỗi], ráng sức chuộc lấy lỗi đã làm, thì các con có lo chi chẳng bì bực chí thánh.” ([12])

Tóm lại, khi thân tâm không thanh thản thì đúng là khổ sở rồi, là không còn hạnh phúc nữa, chỉ vì ta bị cám dỗ, chìu theo lòng ham muốn, buông thả theo dục vọng.

Trong Thư 1 Gởi Ông Timôthê (6:10), Thánh Phaolô viết:

“Vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.”

Thế nên tôn giáo nào cũng đặt ra lề luật, giới răn để giúp tín đồ giữ mình trong sạch.

- Trong Nhất Kỳ Phổ Độ, Kinh Thánh Cựu Ước dạy con người tìm cho mình hạnh phúc bằng cách giữ giới luật, tuân theo lời răn dạy của Thượng Đế, của Thiên Chúa.

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.” (Thánh Vịnh 128:1)

“Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người.” (Giảng Viên 12:13)

“Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào.” (Thánh Vịnh 119:165)

“Ai còn giữ luật, quả là người hạnh phúc.” (Châm Ngôn 29:18)

- Sang Nhị Kỳ Phổ Độ, Chúa Giêsu dạy:

“Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Luca 11:28)

Trong Thư Gởi Tín Hữu Rôma (8:1), Thánh Phaolô viết:

“Những ai ở trong Ðức Kitô Giêsu, thì không còn bị lên án nữa.”

- Qua Tam Kỳ Phổ Độ, khi mới vừa mở đạo Cao Đài, một trong những sự kiện trọng đại đầu tiên là Đức Chí Tôn cho lập Tân Luật để sớm khép con cái vào đường ngay nẻo chánh.

Tuy gọi là Tân Luật (luật mới), nhưng Đức Chí Tôn vẫn duy trì những điều luật cũ (cựu luật) được ban ra trong Nhất Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ, vì các cựu luật này có giá trị vĩnh cửu, vượt không gian và phi thời gian.

Giữa tháng 7-1926, Đức Chí Tôn dạy:

“Chẳng phải Thầy còn buộc theo cựu luật, song luật ấy rất nên quý báu, không giữ chẳng hề thành Tiên Phật đặng.” ([13])

Vào đêm Giáng Sinh năm 1926, Đức Chí Tôn dạy thêm:

“Thầy đến mà làm cho giảm sự khổ não của các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập Tân Luật ràng buộc các con thêm nữa.” ([14])

Thánh ngôn của Đức Chí Tôn giúp chúng ta hiểu rằng giới răn, luật lệ nhà Đạo không phải để ràng buộc con người mất tự do, mà thực chất là giúp con người bảo vệ được mình khỏi lối sống buông thả phóng túng.

Nói khác đi, luật Đạo giúp con người bảo vệ được tự do trong cuộc sống đạo đức. Đó tức là hạnh phúc, và hạnh phúc lớn hơn mọi thứ hạnh phúc chính là con người biết tu hành để trở nên Thần Thánh, Tiên Phật.

* Muốn được hạnh phúc, hãy khôn ngoan và hiểu biết

- Trong Nhất Kỳ Phổ Độ, Kinh Thánh Cựu Ước dạy:

“Hạnh phúc thay người được thánh triết khôn ngoan và có được tài hiểu biết.” (Châm Ngôn 3:13)

- Sang Nhị Kỳ Phổ Độ, Trong Thư Gởi Tín Hữu Êphêxô (5:15), Thánh Phaolô khuyên:

“Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan…”

Nhưng khôn ngoan đúng nghĩa không phải là khôn ranh theo thói ma mãnh của thế gian. Trong Thư 1 Gởi Tín Hữu Côrintô (3:19), Thánh Phaolô viết:

“Vì sự khôn ngoan của thế gian là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa.”

­Tại sao sự khôn ngoan của người thế gian lại là sự điên rồ trước Đức Chúa Trời?

Bởi vì sự khôn ngoan đó chỉ nhằm đưa con người tới chỗ mạnh hiếp yếu, khôn gạt dại cho vừa lòng tham và dục vọng.

Khôn ngoan như thế Thánh Nhân không ham, cho nên Đức Lão Tử bảo:

“Lòng ta ngu muội, đần độn thay! Người đời sáng rõ, riêng ta tối tăm...” ([15])

- Qua Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn dạy không khác:

“Đời lanh lợi khôn ngoan mau chết.” ([16])

Cái khôn của thế gian là cái khôn để tự giam hãm lấy mình trong tứ đổ tường,([17]) tức là bốn vách nhà tù xây cất bằng Tửu, Sắc, Tài, Khí (rượu, sắc dục hay sex, tiền bạc, và ma túy). Cái khôn đó đưa con người vào chỗ luân hồi. Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy:

Khôn trong bốn vách quanh vòng
Khôn vầy nên phải đọa trong luân trầm.([18])

Nói cách khác, thay vì khôn theo thế gian, người biết Đạo hãy khôn ngược lại. Đức Chí Tôn dạy:

Ma, Phật tự người tạo nó ra
Biết khôn làm Phật, dại làm ma.([19])

Đức Chí Tôn cũng dạy:

“Khôn chi chôn cả tánh linh…” ([20])

Chôn cả tánh linh tức là tiêu tán linh hồn của mình. Đến đây, chúng ta nhớ lời Chúa dạy:

“Vì nếu người ta được cả thế gian mà phải đánh mất linh hồn mình, thì đâu ích lợi gì?” (Matthêu 16:26)

*

Đôi điều tâm niệm

Câu chuyện về con đường hạnh phúc theo lời Chúa chép trong Phúc Âm đối chiếu với thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài đã dài! Câu chuyện nào dài quá cũng làm người nghe thấy mất… hạnh phúc!

Thôi thì, chúng ta tạm kết thúc nơi đây, với những chân lý muôn thuở muôn phương mà chúng ta vừa có dịp ôn lại:

- Hạnh phúc bền vững và chơn chánh là được chia sẻ với đồng loại để giảm bớt nỗi khổ của người khác.

- Hạnh phúc bền vững và chơn chánh là có được đức tin kiên cố vào ơn cứu độ của Phật, của Chúa, của Thượng Đế.

- Là tín đồ, chúng ta tìm hạnh phúc trong sự gắn bó không rời với Đấng Thiêng Liêng cao cả của mình. Chúng ta hãy ở lại, và sống lại trong Phật, trong Chúa, trong Thượng Đế.

- Ở lại và sống lại trong Phật, trong Chúa, trong Thượng Đế không phải bằng lời nói suông ở đầu môi chót lưỡi; mà phải bằng tâm thành cầu nguyện thường xuyên và bằng cách tuân giữ giới răn luật đạo đã được Thiêng Liêng ban truyền.

- Trong cuộc sống thế gian, chúng ta hãy khôn ngoan và hiểu biết lựa chọn cho mình một hạnh phúc thật và từ chối hạnh phúc giả. Hãy luôn luôn lấy chánh pháp làm đuốc tuệ để soi sáng, phân biện chỗ giả và chỗ thật trên con đường mưu cầu hạnh phúc bền vững đời đời cho chúng ta.

Thực tiễn cuộc sống vốn gay gắt, luôn thử thách đức tin và lòng nhẫn nại của chúng ta.

Lúc chúng ta cảm thấy mình khổ sở, đớn đau, xin thực hành lời khuyên của Thánh Giacôbê:

“Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện.” (Thư Của Thánh Giacôbê 5:13)

Những khi chúng ta lòng dạ bất an, xin nhớ ghi lời Chúa:

“Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được một vài gang không?” (Luca 12:25)

Những khi gánh nặng áo cơm đời thường quá sức chịu đựng của chúng ta, xin gẫm suy lời tâm tình của Thánh Phaolô:

“Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.” (Thư Gởi Tín Hữu Philípphê 4:12)

Một tư tưởng gia của đạo Bà La Môn (tức Ấn Độ Giáo, hay đạo Hindu) là nhà thơ Tagore (1861-1941) chọn cuộc sống hạnh phúc bằng cách:

Khi vui chẳng muốn vui hơn
Khi buồn đủ sức để buồn trôi qua.([21])

Cách sống đó đâu có khác lời dạy trong Kinh Thánh Cựu Ước:
“Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng. Ngày bị rủi ro, hãy gẫm mà xem: Ngày nào cũng do Thiên Chúa làm nên…” (Giảng Viên 7:14)

Nếu tất cả chúng ta đều có đức tin như thế, Kinh Thánh Cựu Ước bảo chúng ta là những người hạnh phúc:

“Người đặt lòng tin vào Chúa thật hạnh phúc biết bao.” (Châm Ngôn 16:20)

Nghĩa là, có đức tin, chúng ta tìm được sự bình an trong cuộc sống, vượt qua mọi nghịch cảnh, đúng như thánh giáo Tam Kỳ Phổ Độ đã dạy:

Lòng con tin đấng Cao Đài
Đạo đời Trời sẽ an bài cho con.([22])

Khép lại câu chuyện nhân đại lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh sáng nay, xin cầu nguyện tất cả chúng ta đều được bình an và hạnh phúc trong đức tin chơn chánh, trong ơn hộ trì và soi sáng của Phật, của Chúa, của Thượng Đế Chí Tôn.


Huệ Khải
Giáng Sinh Tân Mão
24-12-2011
Về Đầu Trang Go down
https://timviet.forumvi.com
 
Câu chuyện Giáng Sinh: CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» TRONG SINH DIỆT, RÕ CHẲNG SINH DIỆT
» TU LÀ CHUYỂN NGHIỆP - TU CÓ CHUYỂN ĐƯỢC NHÂN QUẢ KHÔNG?
» XUÂN HẠNH PHÚC
» 40 BÀI HỌC BẤT BIẾN ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC GIỮA CUỘC ĐỜI VẠN BIẾN
» BÍ MẬT HẠNH PHÚC

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
TIM VIỆT FORUM :: Trau Dồi Văn Chương/Literature :: Thư Viện Truyện - Tim Viet Library :: Lời Hay Ý Đẹp - Golden Quotes-
Chuyển đến