HOA SEN TRONG LỬA
(Sư Ông Trúc Lâm)
Qua pháp Tứ đế, chúng ta thấy rõ Phật nhắm vào nhân đau khổ, tiêu diệt nó, chớ không nói tiêu diệt quả đau khổ. Trong kinh Đại Bát Niết-bàn có bài kệ, nguyên văn chữ Hán:
Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc.
Nói các hành vô thường. Các hành là thân hành động, tâm ý hành động, và tất cả sự sanh diệt của muôn vật đều gọi là hành. Các thứ đó đều vô thường, đều sanh diệt cho nên nói chư hành vô thường. Quí vị thấy như lúc chúng ta còn trẻ thì đầu xanh, rồi lật bật một thời gian nhìn lên đầu thấy vài sợi tóc bạc. Lật bật một lúc nữa, thì thấy hết phân nửa tóc bạc, chẳng bao lâu sau nhìn lên đầu như là thúng bông. Đó, vô thường chuyển biến dần dần và không bao giờ dừng lại.
Thân như vậy, tâm cũng như vậy, một dòng chuyển biến không ngừng. Muôn sự muôn vật ở trước cũng vậy. Như ngày nay chúng ta xây được căn nhà bê tông, thấy chắc biết mấy. Nhưng năm mươi năm sau nó cũng phải hư. Có cái gì không đổi dời, không biến chuyển đâu. Biết rõ như vậy thì sự vật là thật hay không thật. Nếu thật thì nó phải nguyên vẹn, không đổi thay; còn nó đổi thay thì hết thật rồi. Cho nên các hành là vô thường là pháp sanh diệt.
Như vậy muôn sự muôn vật ở trên thế gian là vô thường, là sanh diệt. Nếu là vô thường, là sanh diệt tức là đau khổ. Già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ. Chính vì vô thường đó mà đi tới bại hoại, bại hoại là đau khổ. Cho nên vô thường là nhân đưa đến quả đau khổ. Vì nó là pháp sanh diệt cho nên chúng ta không còn mãi mãi như vậy được.
Sanh diệt diệt dĩ, là sanh diệt mà diệt rồi thì tịch diệt vi lạc, tức lặng lẽ là vui. Lặng lẽ đó là Niết-bàn. Khi cái vô thường sanh tử lặng, thì Niết-bàn an lạc, tức cái vô sanh mới là an lạc chân thật. Như vậy Phật dạy chúng ta tu từ pháp sanh diệt chuyển lần đến vô sanh. Sanh diệt là đau khổ, vô sanh là an vui. Thế thì tu Phật là tìm vui hay tìm khổ? Mà muốn tìm vui thì trước phải biết khổ. Biết khổ mới tìm vui. Chớ còn ở trong khổ mà không biết khổ; trong khổ mà nghĩ là vui, thì đâu chịu bỏ khổ.
Cho nên đức Phật nói khổ để chúng ta nhận thức chín chắn cuộc đời là đau khổ, chúng ta mới cố gắng tiêu diệt nhân đau khổ. Diệt hết nhân đau khổ thì mới thật là vui. Như vậy có thể kết luận đạo Phật bi quan không? Nếu từ khổ đi tới hết khổ, thì đạo Phật là đạo diệt khổ, đưa chúng ta tới chỗ an vui. Vậy mà nhiều người mới nghe đạo Phật nói Khổ đế - cuộc đời là đau khổ - liền nói đạo Phật bi quan! Mà không ngờ nói khổ là chỉ cho chúng ta nhận thức như vậy, để phăng tìm và tiêu diệt nguyên nhân của nó thì đau khổ hết. Đau khổ hết thì được an vui vĩnh viễn, gọi là vui Niết-bàn.
Chúng ta là những hành giả đang cố gắng, đang vươn lên tới mục đích an vui giải thoát. Cũng như người leo núi, từ dưới chân núi muốn leo tới chóp núi, thì lúc đầu là khổ hay vui? Là nhọc nhằn, là khổ. Nhưng khi lên đến chóp núi rồi, ngồi yên lặng hóng gió mát liền nghe khỏe, thảnh thơi. Như vậy đang leo núi là khổ, nhưng đến chóp núi là vui. Cho nên trên đường tu, chúng ta chịu khó, chịu cực làm cho mòn, cho tan vỡ các nhân đau khổ, khi hết nhân đó chúng ta sẽ được an vui. Công phu đó gọi là tu hành.
Nhiều người nghe nói tu hành liền nghĩ méo mó là tu thì phải bị hành. Nên họ bảo vô chùa tu phải thức khuya, dậy sớm, tụng kinh ngồi thiền, phải ăn muối ớt, muối tiêu, hoặc chịu đói chịu khát, vậy mới là tu, vì tu là hành mà. Chữ tu hành nghĩa là tu phải thực hành lời Phật dạy, chớ không phải tu hành là hành phạt.
Để kết thúc bài này tôi dẫn lời Thiền sư Mãn Giác đời Lý, để nhắc cho quí vị thấy kinh Phật và lời Tổ không hai, không khác. Lúc Ngài gần tịch, Ngài làm một bài thơ:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Như vậy bài kệ trên có giống bài kệ này không? Một bên là chư hành vô thường, một bên nói Xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai. Xuân khứ tức là mùa xuân đi rồi thì trăm hoa rụng. Mùa xuân đến thì trăm hoa nở. Như vậy hoa rụng, hoa nở, theo dòng thời gian xuân, hạ, thu, đông. Thời gian chuyển biến thì sự vật theo đó cũng chuyển biến. Thời gian là vô thường, sự vật cũng vô thường. Như vậy muôn vật trong cõi đời này đều chuyển biến như một dòng nước. Nó cứ trôi đi không dừng.
Hai câu kế Sự trục nhãn tiền quá, lão tùng đầu thượng lai. Cây cỏ hoa lá theo thời tiết đổi thay, phai tàn sanh trưởng, thì con người theo thời tiết cũng như vậy. Mới ngày nào tóc xanh, bây giờ ngó lại trên đầu tóc đã bạc rồi. Như vậy không có gì dừng lại được. Bốn câu thơ này nói lên dòng đời là một dòng sanh diệt đổi thay. Con người cũng theo đó mà thay đổi không dừng. Nhưng hai câu kết rất lý thú:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Chớ bảo mùa xuân qua rồi thì hoa rụng hết, bởi vì đêm hôm ở trước sân, còn một cành mai nở trắng xóa. Hoa theo thời mà rụng, tức mùa xuân thì hoa nở, hết xuân thì hoa rụng. Đến mùa đông là mùa tàn tạ nhất. Tuy tàn tạ không còn hoa, nhưng sự thật, đừng hiểu lầm rằng không còn một hoa nào nở, vì có một cành mai nở trắng xóa trước chùa. Cành mai đó để nói lên điều gì? Để nói rằng nơi mình còn có cái chân thật. Cái chân thật đó không bị thời gian cuốn đi. Cái chân thật đó không bị vô thường sanh diệt bào mòn, nó vẫn nguyên vẹn ở nơi mình như cành mai nở vào mùa đông.
Chúng ta thấy cái nhìn của các Thiền sư đúng như cái nhìn của chư Phật. Phật nói sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui. Tới chỗ lặng lẽ chân thật, cái đó không mất, cái đó mới là thật. Ở đây cũng vậy, bản thân con người, bản thân sự vật bị thời gian lôi kéo, vô thường sanh diệt; nhưng trong đó có một cái chưa bị thời gian chi phối, chưa bị tất cả pháp làm cho sanh diệt. Nó còn vẹn toàn giống như một cành mai mùa đông. Vì thế chúng ta mới tu, chớ nếu sanh diệt hết thì còn gì để tu.
Trong cái sanh diệt có cái chưa từng sanh diệt. Nhà thiền thường hay ví dụ hình ảnh hoa sen trong lửa. Trong lò lửa cháy hừng hực, mà hoa sen vẫn tươi thắm, đó là sao? Lò lửa chỉ cho thân này vô thường, cảnh đời vô thường, đổi thay giống như lò lửa đang thiêu đốt. Tuy nhiên trong đó có một cành hoa sen tươi thắm, không bị thứ gì làm cho nó khô héo hết. Đây là chỉ cho cái thật mình, nó sẵn có, vượt qua hết tất cả vô thường, tất cả sanh diệt. Do đó chúng ta mới có khả năng thắng hết, qua hết các vô thường để trở về cái chân thường chân lạc. Đó là mục đích chánh của người tu chúng ta vậy.
Trích "HOA VÔ ƯU 4 - ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO DIỆT KHỔ"
Thiền Sư Thích Thanh Từ